Thứ sáu, 08/07/2022 14:28

Hội đồng Quốc gia họp phiên thứ hai về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2021

Ngày 7/7/2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Cơ quan Thường trực Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) đã tổ chức phiên họp lần thứ hai của Hội đồng Quốc gia về GTCLQG năm 2021.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng GTCLQG Nguyễn Hoàng Linh phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng GTCLQG Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ, mặc dù bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tác động lớn nhưng đã có 93 doanh nghiệp được kiến nghị từ 47 Hội đồng sơ tuyển các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là số lượng doanh nghiệp tham dự cao nhất trong 2 năm trở lại đây, cùng với đó, các chỉ số của doanh nghiệp tham dự năm nay tăng trưởng hơn với quy mô, doanh thu, lợi nhuận tăng vượt bậc.

Báo cáo hoạt động GTCLQG năm 2021, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Ủy viên Thư ký Hội đồng GTCLQG Phùng Mạnh Trường cho biết, từ ngày 15/3/2021 đến 10/11/2021, Cơ quan Thường trực GTCLQG đã tiến hành rà soát các hồ sơ doanh nghiệp tham dự GTCLQG năm 2021, yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện thông tin, bằng chứng có liên quan. Đồng thời, thực hiện theo kết luận của Chủ tịch Hội đồng GTCLQG tại phiên họp lần 1 ngày 15/3/2022, Cơ quan Thường trực GTCLQG đã tổ chức các đoàn công tác xem xét, thẩm định tại chỗ 29/32 doanh nghiệp được HĐQG thống nhất xem xét tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia. 29 doanh nghiệp nêu trên tại 21 tỉnh/thành phố là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Đồng Tháp, Bến Tre, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng.

Về tổng quan hoạt động của doanh nghiệp được thẩm định tại chỗ cho thấy, các doanh nghiệp được đề xuất Giải Vàng Chất lượng Quốc gia là những doanh nghiệp có uy tín tại địa phương, một số doanh nghiệp có vị thế dẫn đầu trong ngành, lĩnh vực hoạt động hoặc phát triển sản phẩm dịch vụ tới nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến sự phát triển kinh tế  xã hội của tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dịch bệnh đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tác động trực tiếp đến các ngành kinh tế. Tuy vậy, các doanh nghiệp được thẩm định đều chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã giữ vững mức tăng trưởng và đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động, chất lượng sản phẩm được nâng cao, duy trì quan hệ tốt với khách hàng và người cung ứng, tạo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp trên đều tuân thủ các quy định của Nhà nước về thuế, môi trường, BHXH, BHYT… tất cả các doanh nghiệp được thẩm định đều áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001, ISO 22000, ISO 14001, GMP, HACCP… và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng như KPIs, 5S, Kaizen, LEAN, ERP… để kiểm soát và nâng cao hiệu quả toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh; tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật và thể hiện trách nhiệm tích cực đối với cộng đồng, địa phương.

Các doanh nghiệp và hội đồng sơ tuyển các tỉnh/thành phố đều mong muốn có sự hỗ trợ và động viên từ phía các cơ quan quản lý nhà nước (thông qua việc xét tặng GTCLQG và công tác khen thưởng, tuyên truyền cho các hoạt động của GTCLQG). Từ đó tạo được vị thế và uy tín cho Giải thưởng cũng như góp phần nâng cao hiệu quả của phong trào năng suất, chất lượng trên quy mô toàn quốc.

Hà My

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)