Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục SHTT Trần Lê Hồng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT, tập huấn bồi dưỡng về SHTT trong các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp luôn được Cục quan tâm đặc biệt . Từ năm 2019, Cục đã xây dựng và phát triển mạng lưới TISC và IP HUB nhằm thúc đẩy hoạt động SHTT và chuyển giao công nghệ trong các viện nghiên cứu, trường đại học. Đến nay đã có khoảng hơn 50 trường đai học, viện nghiên cứu là thành viên của mạng lưới này.
TS Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và một số biện pháp quản lý quyền SHTT trong các hoạt động hợp tác nghiên cứu trong ngắn hạn và dài hạn như: rà soát, đánh giá các sáng chế/giải pháp kỹ thuật… để xem xét khả năng thương mại hóa sản phẩm...; xây dựng và hoàn thiện chính sách về SHTT phù hợp với điều kiện và lĩnh vực hoạt động; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ SHTT cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ quyền SHTT.
Theo các đại biểu, viện nghiên cứu chính là “cái nôi” của sự sáng tạo tri thức, khoa học và công nghệ. Đồng thời, đây cũng là nơi sử dụng rất nhiều những đối tượng của quyền SHTT trong hoạt động, đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế… Hiện một số trường đại học, viện nghiên cứu đã chủ động bắt tay, hợp tác với các doanh nghiệp để thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học. Điều này đặt ra yêu cầu của việc cần có các biện pháp quản lý quyền SHTT trong các hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa các chủ thể, đối tác, cũng như trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Việc quản lý quyền SHTT đối với các hoạt động này sẽ giúp nhận diện, đánh giá, lường trước được các phát sinh tranh chấp về quyền SHTT trong các hoạt động này. Từ đó, tạo cơ hội trong việc khai thác và chuyển giao quyền SHTT, đem lại nguồn thu, lợi ích của các chủ thể ở các giai đoạn hợp tác tiếp theo.
CM