Thứ năm, 26/05/2022 10:00

Bạc Liêu: Tập huấn xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương

Ngày 25/5/2022, tại Bạc Liêu, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu tổ chức tập huấn “Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương” của tỉnh Bạc Liêu. Buổi tập huấn có sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện các khối cơ quan quản lý, thực thi, hiệp hội, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Trong thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều hoạt động nhằm bảo hộ, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ để xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương. Hiện tại, Bạc Liêu đã có 2 chỉ dẫn địa lý (“Bạc Liêu” cho sản phẩm muối, “Hồng Dân” cho sản phẩm gạo một bụi đỏ) và 5 nhãn hiệu tập thể.

Mở đầu buổi tập huấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Hùng Dũng đã nêu bật vai trò của quyền sở hữu trí tuệ với việc phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh, đặc biệt cần chú trọng việc quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý để nâng cao giá trị của sản phẩm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) Lê Minh Thu đã giới thiệu tổng quan và vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương. Qua đó giúp cho các đại biểu tham dự hiểu được những vấn đề về tạo dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương; vai trò của việc bảo hộ thương hiệu cho đặc sản địa phương; việc đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, đặc sản địa phương có gắn địa danh/dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc dưới 3 hình thức: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Bà Lê Minh Thu cũng lưu ý các doanh nghiệp một số giải pháp để quản lý và phát triển các tài sản trí tuệ cho các đặc sản địa phương, đặc biệt là việc quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và tiến hành phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh Trần Giang Khuê chia sẻ tại buổi tập huấn.

Chia sẻ tại buổi tập huấn, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh Trần Giang Khuê đã cung cấp các kiến thức và kỹ năng về quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm địa phương. Theo ông Trần Giang Khuê, phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương gắn với thương hiệu cộng đồng là một hướng đi phù hợp và là công cụ hữu hiệu trong phát triển bền vững, đưa nông sản của tỉnh Bạc Liêu tiến xa hơn ở thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, cần xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm địa phương gắn với lợi thế của doanh nghiệp, thế mạnh của địa phương và chủ trương chính sách của nhà nước; cần nâng cao vai trò của hiệp hội/doanh nghiệp đối với xây dựng thương hiệu cho sản vật địa phương; luôn quản lý tốt để giữ được chất lượng sản phẩm, dịch vụ và uy tín doanh nghiệp, đây là chìa khóa trong xây dựng thương hiệu cộng đồng. Đồng thời, cần tổ chức tốt hơn, bền bỉ hơn nữa việc tuyên truyền và quảng bá thương hiệu cho các đặc sản địa phương sau khi đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, với nhiều hình thức khác nhau như: lô gô, slogan, câu chuyện truyền thông, biển hiệu, áp phích, tờ rơi, các hội chợ triển lãm, các kênh tiêu thụ mới, kết hợp du lịch sinh thái… bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp; liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối, tiêu thụ chặt chẽ, nghiêm ngặt và có hiệu quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại và cũng phải tính đến cả xuất khẩu để đặc sản thực sự phát huy thế mạnh và tạo nên thương hiệu mạnh của doanh nghiệp, địa phương, vùng miền và quốc gia... 

CT

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)