Thứ hai, 24/01/2022 21:05

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu: Ngọn lửa không bao giờ tắt

Ngày 23/1/2022, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - cây đại thụ của ngành Vật lý Việt Nam, người thầy tận tâm của nhiều thế hệ nhà khoa học đã qua đời ở tuổi 84. Sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với nền khoa học và giáo dục của Việt Nam. Riêng đối với Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu không chỉ là nhà khoa học tài năng, đáng kính, mà còn là người thầy, người đặt nền móng, dìu dắt những bước đi đầu tiên để Tạp chí mở cánh cửa bước ra thế giới...

Nhà khoa học, nhà quản lý tài năng

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21/7/1938 tại Cầu Đơ, nay thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp cử nhân Vật lý loại xuất sắc, ông được điều về giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Tháng 10/1960, ông được cử đi nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Dubna, Liên Xô (trung tâm nghiên cứu vật lý nổi tiếng thế giới khi đó). Trong hơn 2 năm ở Dubna, ông đã công bố 12 công trình nghiên cứu vật lý neutrino. Năm 1964, ông bảo vệ thành công luận án tiến sỹ với chủ đề: “Những tính chất của biên độ phát xạ của các hạt năng lượng cao”, với sự đồng ý tuyệt đối của Hội đồng xét duyệt khi chưa đầy 26 tuổi. Cùng năm đó, TS Nguyễn Văn Hiệu được đặc cách công nhận chức danh PGS. 4 năm sau (1968), ông được phong học hàm GS và trở thành GS trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học nước nhà. Với các thành tích nổi bật của mình, ông được trường đại học danh tiếng Lômônôxốp mời làm việc. Tại đây, ông tiếp tục nghiên cứu và hoàn thành nhiều công trình khoa học. Trong đó, công trình “Lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản” của ông đã được xuất bản thành sách tại Liên Xô và được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Cùng với các nhà vật lý khác, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã phát minh ra quy luật mới trong lĩnh vực vật lý hạt nhân năng lượng cao - quy luật “bất biến kích thước của tiết diện các quá trình sinh hạt”. Với công trình này, ông là một trong số ít nhà khoa học của Việt Nam được Uỷ ban Nhà nước Liên Xô về phát minh và sáng chế cấp Bằng phát minh. Những năm sau này, với sự say mê nghiên cứu không mệt mỏi, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là tác giả và đồng tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị thuộc hai lĩnh vực: lý thuyết trường lượng tử và lý thuyết chất rắn. Trong lĩnh vực nghiên cứu về lý thuyết chất rắn, các nhà khoa học của Việt Nam và thế giới luôn coi GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là chuyên gia hàng đầu. Ông cũng là một trong những nhà khoa học tiên phong trong hướng nghiên cứu về nano tại Việt Nam, với dự báo “trong vài thập kỷ tới, ngành này sẽ tạo ra những chuyển biến lớn lao như những gì mà ngành công nghệ thông tin đã cống hiến cho loài người trong thời gian qua”.

Bên cạnh những thành tích vượt trội về KH&CN, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu còn là nhà quản lý tâm huyết, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp KH&CN cũng như giáo dục của nước nhà. Năm 1969, khi từ Liên Xô về Việt Nam, ông được Chính phủ giao làm Viện trưởng Viện Vật lý - trở thành viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam. Từ năm 1993, ông là Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu. Năm 1999, ông trở về Đại học Quốc gia Hà Nội làm Chủ nhiệm Khoa Công nghệ. Năm 2004, Trường Đại học Công nghệ - một mô hình trường đại học công nghệ hiện đại trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực được thành lập, và ông lại là người Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này.

Là một người gắn bó và trưởng thành cùng với sự phát triển của nền khoa học và giáo dục Việt Nam, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ, với tư duy và tầm nhìn xa đặc biệt. Cách đây gần 20 năm, khi Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu rộng với thế giới, nhiều người đã lo ngại về tình trạng “chảy máu chất xám”, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã cho rằng: “chảy máu chất xám là điều mà chúng ta không mong muốn, nhưng không phải là điều quá nghiêm trọng. Quan trọng là chất xám ấy có quay trở về hay không và quay trở về như thế nào?”. Ngay từ những năm tháng ấy, GS đã đứng ra vận động, tổ chức chuỗi sự kiện “Gặp gỡ các nhà khoa học trẻ Việt Nam” để tạo diễn đàn, giao lưu học thuật giữa các nhà khoa học trẻ tài năng của Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, với sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế uy tín. GS từng tâm sự: “Có thể 10-20 năm sau lời kêu gọi hôm nay mới trở thành hiện thực, song điều quan trọng là làm sao để trái tim các nhà khoa học này luôn hướng về Tổ quốc”. Ông cũng rất tích cực trong việc tổ chức các Hội nghị khoa học quốc tế lớn tại Việt Nam để tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam được giao lưu, hội nhập cùng khoa học quốc tế.

Người mở đường cho tạp chí khoa học Việt Nam hội nhập quốc tế

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu luôn coi việc cống hiến, phụng sự đất nước là lý tưởng, là lẽ sống của cuộc đời mình. Chính vì vậy, ông không ngại khó, không ngại khổ, ngay cả khi đảm đương vai trò “mở đường” ở những công việc “hoàn toàn mới”. Cách đây khoảng một thập kỷ, khi đã ở độ tuổi “thất thập”, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu nhận thấy khoa học Việt Nam có một mảng trống đó là xuất bản khoa học và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này. Thời điểm đó, Việt Nam chưa có tạp chí khoa học nào nằm trong cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín ISI (nay là Web of Science). Với vai trò là Tổng biên tập, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã xây dựng Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN) thành một Tạp chí mạnh theo tiêu chuẩn quốc tế và là Tạp chí đầu tiên của Việt Nam hợp tác với Nhà xuất bản IOP của Vương quốc Anh. Năm 2014, ANSN được đưa vào cơ sở dữ liệu Scopus. Một năm sau đó, Tạp chí được đưa vào cơ sở dữ liệu Science Citation Index Expanded (SCIE) thuộc ISI. Đây là Tạp chí khoa học đầu tiên của Việt Nam được đưa vào cơ sở dữ liệu khoa học uy tín nhất thế giới này.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam mừng sinh nhật GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (7/2019)

Riêng đối với Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là người định hướng, đặt nền móng đầu tiên để Tạp chí bản tiếng Anh (series C) phát triển, vươn tầm khu vực và hội nhập quốc tế. Năm 2017, nhận lời đề nghị giúp đỡ Tạp chí từ Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã trực tiếp tham gia xây dựng series C của Tạp chí, có tên gọi: Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering (VJSTE), xuất bản hoàn toàn bằng tiếng Anh, theo các quy định, tiêu chuẩn quốc tế. Bằng uy tín khoa học và sự nhiệt tâm của mình, GS đã mời các nhà khoa học uy tín quốc tế tham gia Hội đồng biên tập của Tạp chí. Trong những ngày đầu khó khăn, đầy bỡ ngỡ, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cùng TS Bích Hà (phu nhân, đồng thời là người cộng sự thân thiết lâu năm của GS) đã không quản ngại “cầm tay chỉ việc” cho thế hệ biên tập viên trẻ của Tạp chí từ việc đặt bài các nhà khoa học, đến cách biên tập, áp dụng các quy chuẩn, quy trình quốc tế cho tạp chí khoa học… Dưới sự giúp đỡ tận tâm của GS, chỉ sau hơn một năm xuất bản số đầu tiên, tháng 11/2018, VJSTE đã đạt được những thành công bước đầu, được chấp nhận tham gia các cơ sở dữ liệu khu vực và quốc tế như ASEAN Citation Index (ACI), CABI Abstracts, Global Health… Tháng 4/2021, VJSTE cũng đã chính thức tham gia cơ sở dữ liệu quốc tế OAJI (Open Academic Journals Index) với hơn 3300 tạp chí khoa học đến từ 116 quốc gia trên thế giới.

Giờ đây, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã đi xa, nhưng nền móng mà ông đã xây dựng, niềm tin và nhiệt huyết mà ông đã truyền cho Tạp chí, sẽ tiếp tục là cơ sở vững chắc để Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục phát triển và có những bước tiến dài hơn trong tương lai.

Với những thành quả vượt trội trong nghiên cứu khoa học, năm 1982 GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Năm 1986, ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Lênin về Khoa học kỹ thuật. Tập hợp các công trình nghiên cứu của ông đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 1996. Năm 2009, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đây là những phần thưởng cao quý nhất trao tặng cho nhà khoa học có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học công nghệ của Liên Xô và Việt Nam.

MN

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. http://khcn.cinet.vn/articledetail.aspx?articleid=1113#sthash.cYvQMxfN.dpbs

2. http://100years.vnu.edu.vn/BTDHQGHN/Vietnamese/C1778/C1779/2006/05/N7792/

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)