Bên cạnh những nhà sáng chế không chuyên với nhiều cải tiến mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người sử dụng, còn có những nhà nghiên cứu không chuyên âm thầm dành thời gian vài thập kỷ cũng như không ít tiền bạc để đi tìm câu trả lời cho những vấn đề chung của cộng đồng dù không được mấy người quan tâm. Dù “đúng” hay “sai”, “thành” hay “bại”, họ cũng rất đáng được trân trọng bởi mong muốn cao đẹp, sự say mê và tâm huyết thầm lặng dành cho khoa học mà hiếm người có được. Ông Đỗ Thành Lam (tên thật là Đỗ Ngọc Giới), cựu chiến binh năm nay 88 tuổi là một người như vậy. Ông đã dành hơn 3 thập kỷ để nghiên cứu về lịch pháp và cho ra đời cuốn “Lịch Thế giới: Một chu trình tự nhiên 3240 năm - Can Chi thiên niên vĩnh cửu” dày gần 4000 trang, chỉ với mục tiêu duy nhất: cung cấp cho xã hội một cuốn lịch và một phương pháp tính lịch mà theo ông là “hoàn thiện nhất vì đã khắc phục được những khiếm khuyết bất cập trong lịch hiện hành”.
Nhân dịp Xuân mới, Tạp chí đã có cuộc trò chuyện với ông xoay quanh hướng nghiên cứu mà ông đang theo đuổi; cũng như “cơ duyên” đưa đẩy ông đến với công việc khá phức tạp nhưng rất ít người quan tâm này.