Với những ưu điểm vượt trội từ công nghệ và khả năng chống lại biến thể Delta cao (trên 80%)…, vắc xin Sputnik V ngày càng nhận được sự chấp thuận ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đã sử dụng vắc xin Sputnik V trong chiến dịch tiêm chủng toàn dân. Với biến chủng mới Omicron đang gây ra một làn sóng lo ngại mới trên toàn cầu, đội ngũ nghiên cứu, phát triển Sputnik V cũng đang sản xuất vắc xin chống lại các biến chủng này và dự kiến sẽ có trong 45 ngày nữa, đến năm 2022 đã có thể tiến hành sản xuất rộng rãi.
Tại Việt Nam, vắc xin Sputnik V đã được Bộ Y tế cấp phép vào ngày 23/3/2021. Ngày 21/7/2021, VABIOTECH đã chính thức công bố việc sản xuất thử nghiệm vắc xin Sputnik V tại Việt Nam.
VABIOTECH - một doanh nghiệp nhà nước của Bộ Y tế cùng với sự đồng hành của Tập đoàn SOVICO sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng RDIF và Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya sản xuất vắc xin Sputnik mỗi năm tại Việt Nam, góp phần quan trọng vào kế hoạch tự chủ vắc xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ cũng như đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Phát biểu tại Lễ ký, TS Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch VABIOTECH cho biết, hơn 1 triệu liều vắc xin Sputnik V đã được VABIOTECH sản xuất thành công ở bước đóng ống, đóng gói, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đã được Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya kiểm tra. VABIOTECH tin tưởng vắc xin Sputnik sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng trong kế hoạch tự chủ về vắc xin Covid-19 của Việt Nam với hiệu quả cao, đặc biệt với các biến chủng mới như Delta và Omicron.
Việc Việt Nam sản xuất thành công vắc xin Sputnik V là tiền đề quan trọng để nước ta có thể tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng vắc xin toàn cầu, tiến tới trở thành trung tâm sản xuất vắc xin chống Covid-19 trong khu vực. Điều này rất có triển vọng khi Việt Nam có đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất vắc xin. Việc có thể làm chủ phương thức sản xuất vắc xin phức tạp và năng lực sản xuất vắc xin với số lượng lớn giúp Việt Nam đảm bảo chủ động vắc xin cho người dân và còn có thể đóng góp vào việc giảm thiếu hụt toàn cầu và giúp vắc xin dễ tiếp cận hơn với các quốc gia kém phát triển.
CT