Thứ hai, 06/12/2021 18:26

Thảo luận giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu

Ngày 3/12/2021, trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu”. Hội thảo được tổ chức theo phương thức trực tiếp và trực tuyến.

Đổi mới sáng tạo luôn là vũ khí sắc bén để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, trụ vững và phát triển, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, hoạt động nghiên cứu, khai thác tài sản trí tuệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của đất nước. Tuy nhiên, những vướng mắc, hạn chế về chính sách và thực tiễn trong thương mại hóa tài sản trí tuệ của trường đại học, viện nghiên cứu hiện nay đã hạn chế hoạt động này. Do vậy, chủ đề của Hội thảo được lựa chọn là “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu” với kỳ vọng các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng thảo luận và đưa ra những đề xuất, khuyến nghị hữu ích cho các trường đại học, viện nghiên cứu và cả doanh nghiệp.  

Mở đầu chủ đề về chính sách và thực tiễn của trường đại học, viện nghiên cứu, các diễn giả đến từ Trường đại học Hồng Đức, Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Viện Ứng dụng Công nghệ đã chia sẽ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách quản lý sở hữu trí tuệ và mô hình thành công trong thương mại hóa tài sản trí tuệ được tạo ra tại trường đại học, viện nghiên cứu. Bên cạnh đó, các đại biểu đã được nghe một số câu chuyện khởi nghiệp từ tài sản trí tuệ đến của các diễn giả là nhà sáng chế và doanh nhân khởi nghiệp. Hành trình gian nan của việc phát triển sản phẩm, tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường, sự dũng cảm và kiên trì vượt qua con đường chông gai; các chiến lược kinh doanh, khai thác tài sản trí tuệ cũng được các diễn giả chia sẻ một cách cởi mở, trở thành những bài học quý cho các doanh nghiệp đang bắt đầu khởi nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ và công nghệ.

Các diễn giả đến từ khối doanh nghiệp đều cho rằng, rào cản lớn nhất hạn chế hiệu quả của sự hợp tác này chính là việc hoạt động nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu chưa gắn kết chặt chẽ với thực tiễn, trong khi nguồn lực nghiên cứu nội sinh lớn nhất lại nằm ở các đơn vị này và nhu cầu của các doanh nghiệp đối với những công nghệ mới ngày càng tăng cao. Để giải quyết tồn tại này, giải pháp mà các diễn giả đưa ra là chính các trường đại học, viện nghiên cứu phải chuyển mình, nâng cao năng lực nghiên cứu, đáp ứng một cách thiết thực các nhu cầu của xã hội nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, song song với việc hoàn thiện cơ chế chính sách của Nhà nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết không chỉ về quản lý tài sản trí tuệ mà cả về quản lý con người, bởi nhân lực chất lượng cao chính là nguồn tài nguyên quan trọng để liên tục tạo ra tài sản trí tuệ.

Kết thúc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng đã đánh giá cao về thành công của Hội thảo, khi một vấn đề nóng và khó đã được các diễn giả có kinh nghiệm trao đổi trên tất cả các phương diện của hệ sinh thái khởi nghiệp với một tinh thần nhiệt huyết và quyết tâm cho thành công. Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng bày tỏ tin tưởng với những bước đổi mới trong hệ thống pháp luật, trong bộ máy quản lý, cũng như sự thay đổi tư duy của các nhà khoa học và doanh nghiệp, các kết quả nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu sẽ có con đường rộng mở để đến với thị trường, nhất là khi những doanh nghiệp đang rất cần những công nghệ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp cho sự đi lên của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nói riêng, sự phát triển của đất nước nói chung.

CT

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)