Một trong những điểm nổi bật nhất của Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ VI là các nhà khoa học đã đề cập đến những nghiên cứu về Việt Nam từ nhiều khía cạnh, nhiều phương diện. Ngoài những vấn đề về tư tưởng, lịch sử, ngôn ngữ, văn học, dân tộc, tôn giáo…, hội thảo còn tập trung vào mối quan hệ của Việt Nam với thế giới, đề cập toàn diện các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, pháp luật, giáo dục, môi trường… của Việt Nam từ góc độ Việt Nam học. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ Hội thảo, Việt Nam học có tiểu ban “Tư tưởng, chính trị” nhưng phiên thảo luận này được các nhà khoa học đánh giá là sôi nổi và tích cực, thể hiện một lĩnh vực tiềm năng cần được tiếp cận dưới góc độ Việt Nam học nói riêng và trong mối tương quan với các ngành khoa học khác nói chung.
Ban Tổ chức đã nhận được hơn 700 bài tham luận, tuy nhiên, do thời gian có hạn, nên chỉ có hơn 120 tham luận được trình bày, đem đến các cách tiếp cận đa chiều về đất nước và con người Việt Nam. Thành công của Hội thảo Việt Nam học lần thứ VI, thể hiện sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước đối với Việt Nam; mặt khác, cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các nhà khoa học cũng như ngành Việt Nam học. Theo định kỳ, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VII sẽ được tổ chức vào năm 2025.
VVH