Thứ năm, 28/10/2021 08:02

Học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đoạt giải Vàng cuộc thi AI-JAM 2021 tại Hoa Kỳ

Đề tài “Hệ thống theo dõi sức khoẻ và vị trí của người lính” do nhóm 5 học sinh chuyên ý, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (Team P&F) đảm nhiệm đã đoạt giải Vàng chung cuộc AI-JAM US 2021 ở Hoa Kỳ.

Team P&F là học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đoạt giải Vàng cuộc thi AI-JAM 2021 tại Hoa Kỳ.

AI-JAM là cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế được tổ chức thường niên tại Silicon Valley, thành phố Santa Clara nước Mỹ, do tập đoàn AI-JAM US và Hacker Dojo bảo trợ. AI-JAM tạo ra sân chơi trí tuệ cho những thí sinh đam mê nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới, những thí sinh xuất sắc nhất có thể chia sẻ ý tưởng của mình với các nhà lãnh đạo công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Cuộc thi AI-JAM US 2021 đã thu hút hơn 2.500 thí sinh và khách mời. Trải qua các vòng loại, tại vòng chung kết có 178 đội đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Team P&F là 1 trong 8 đại diện của Việt Nam đến với cuộc thi AI-JAM US 2021 lần này.

Hệ thống theo dõi sức khoẻ và vị trí của người lính có ưu điểm vượt trội, những dữ liệu thu thập được sẽ giúp đơn vị chức năng kịp thời phát hiện ra các dấu hiệu bất thường có thể đe doạ đến sự an toàn, tính mạng của người lính để có kế hoạch hỗ trợ điều trị và giải cứu kịp thời trong mọi tình huống.

Hệ thống theo dõi sức khỏe và vị trí của người lính tích hợp với các tính năng cơ bản, có thể mở rộng chức năng tích hợp, nâng cao hiệu quả ứng dụng trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân vùng sâu, vùng xa, khu cách ly, khu phong tỏa đặc biệt… Hệ thống là 1 thiết bị gồm các linh kiện như: cảm biến nhiệt độ, độ ẩm SHT 31, cảm biến nồng độ oxy trong máu và nhịp tim MAX30100, cảm biến nhiệt hồng ngoại MLX90614, cảm biến GPS A9G, cảm biến gia tốc MPU6050.

Dữ liệu đo thu thập từ các cảm biến trên sẽ được truyền tới bo mạch Arduino Nano. Bo mạch này sau khi thu thập thông số đo từ các cảm biến, sau đó phân tích dữ liệu và hiển thị thông tin trên màn hình OLED để thông tin cho các quân nhân. Ngoài ra, dữ liệu có thể được lưu vào Module sim 800L từ đó truyền thông tin về sở chỉ huy. Trong trường hợp khẩn cấp (thông số ở mức báo động), chiếc còi chip trong sản phẩm sẽ được kích hoạt để báo hiệu về các vấn đề người lính đang gặp phải và dữ liệu sẽ được báo ngay tới người chỉ huy.

Sản phẩm hoàn thành và được thử nghiệm trên 10 người với những điều kiện khác nhau, thiết bị đã đạt được những mục tiêu mà nhóm nghiên cứu đề ra và hiển thị được những thông tin sức khỏe và vị trí của người lính, đã tích hợp thêm những tính năng cơ bản phù hợp với những người lính. Với hình thức thiết kế phù hợp, nhỏ gọn khi đeo trên bắp tay để người lính có thể di chuyển dễ dàng, thuận tiện trong các điều kiện trên chiến trường. Thiết bị đã được kết nối với một máy chủ để báo cáo tình hình của người lính cho chỉ huy cũng như lưu dữ liệu về sức khỏe, thông tin vị trí trên máy chủ. 

Thành viên nhóm nghiên cứu gồm 5 học sinh lớp 11A1 chuyên lý Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên niên khóa 2020- 2023: Nguyễn Anh Hoàng Ân - Phụ trách kết nối; Hoàng Xuân Long - Phụ trách thiết kế phần cứng; Nguyễn Đức Phong - Phụ trách thiết kế phần cứng; Nguyễn Đức Minh - Phụ trách thiết kế phần mềm; Nguyễn Cảnh Thái - Phụ trách thiết kế phần mềm; giáo viên hướng dẫn: ThS Phạm Văn Khương.

Thùy Dương

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)