Thứ bảy, 23/10/2021 15:37

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thế giới thay đổi

Các doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng tại mỗi quốc gia và được đánh giá là lực lượng trung tâm cho sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của quốc gia mà Việt Nam không là ngoại lệ.

Những thay đổi mạnh mẽ trong nền kinh tế thế giới những năm gần đây như cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 gắn với chuyển đổi số ở các nền kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại, xu thế biến dịch địa chính trị và đặc biệt tác động của đại dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển các cấu phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của các nước. Trong bối cảnh đó, các quốc gia có những biện pháp nào để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp? Việt Nam cần có những định hướng và giải pháp phát nào để hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam có thể thích ứng, chuyển đổi và phát triển bứt phá? Đó là những câu hỏi được đặt ra tại hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong thế giới thay đổi” được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân và online trên nền tảng zoom ngày 22/10/2021.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam đến từ Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), Trường Đại học Kinh tế quốc dân; doanh nghiệp khởi nghiệp và các chuyên gia quốc tế từ Kazakhstan, Ấn Độ, Israel, Nhật Bản. Các tham luận và ý kiến thảo luận đã cung cấp bức tranh về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam, triển vọng sau đại dịch Covid-19, những mô hình kinh doanh triển vọng gắn với hệ sinh thái.

Nhận định về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam thời gian qua, PGS.TS Bùi Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: “Qua một thời gian triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trong vòng 2 năm, Việt Nam đã phát triển từ một hệ sinh thái khởi nghiệp ít hoạt động, đứng áp chót trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN lên vị trí thứ 3, chỉ sau Indonesia và Singapore. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam đã bao gồm đầy đủ các thành phần quan trọng (các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp ĐMST, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, vườn ươm, công viên nghiên cứu, trường đại học, mạng lưới các huấn luyện viên/tư vấn, các cơ sở hỗ trợ nghiên cứu và khởi nghiệp tại các trường đại học, viện nghiên cứu…). Các thành tố trong hệ sinh thái: Chính sách, tài chính, văn hoá, thị trường, nhân lực và các hỗ trợ ngày càng có những liên kết khăng khít, tương tác và hỗ trợ nhau để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, ĐMST và sự thịnh vượng của nền kinh tế”. Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần có thêm sự chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia Israel và các chuyên gia đang hoạt động thực tiễn tại Ấn Độ hay Quỹ đầu tư Nhật Bản.

Kinh nghiệm của các hệ sinh thái từ non trẻ như Kazakhstan đến hệ sinh thái đứng thứ 3 thế giới như Ấn độ và hệ sinh thái là hình mẫu của thế giới như quốc gia khởi nghiệp Israel cho thấy, việc lựa chọn đúng đắn ngay từ đầu hướng đi là rất quan trọng. Các hệ sinh thái đều lựa chọn hướng công nghệ để từ đó có các chính sách thúc đẩy từ R&D cũng như các hoạt động giáo dục, đào tạo tư duy sáng tạo… Chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn đầu đóng vai trò quyết định, song một trong những chính sách quan trọng để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của Israel là khuyến khích, tạo điều kiện cho sự tham gia của khu vực doanh nghiệp vào các hoạt động ươm tạo, thúc đẩy hệ sinh thái phát triển.

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh bài học kinh nghiệm của Ấn độ cho Việt Nam. Cũng như Việt Nam, năm 2016 là năm chính thức Chính phủ Ấn Độ tuyên bố về việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp. Và chỉ sau 5 năm, đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp Ấn độ đã đứng thứ ba trên thế giới, còn hệ sinh thái Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 Đông Nam Á. PGS.TS Đỗ Hương Lan cũng nhận định, do đặc điểm kinh tế - xã hội Việt Nam, những năm qua các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam chủ yếu theo mô hình kinh doanh truyền thống, còn ít tính mới và tính sáng tạo, hàm lượng ĐMST dựa trên công nghệ còn thấp. Các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên công nghệ từ các hệ sinh thái Kazakhstan, Ấn Độ hay Quốc gia khởi nghiệp Israel sẽ là những bài học quý cho Việt Nam để hệ sinh thái Việt Nam có thể chuyển mình mạnh mẽ hơn, gia tăng hàm lượng ĐMST về công nghệ trong các mô hình kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên ĐMST của đất nước.

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)