Những con số phản ánh sự tham gia và phát huy trí tuệ của các nhà khoa học từ các tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước: 33 tổ chức và 52 cá nhân chủ trì nhiệm vụ đến từ các tổ chức nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong cả nước; gần 1.000 người tham gia vào các đề tài ở các vai trò khác nhau; hơn 300 tổ chức tham gia phối hợp thực hiện, trong đó có các ban, bộ ngành ở Trung ương, các sở chuyên ngành ở các địa phương, các tổ chức khoa học và công nghệ trong cả nước; 30 chuyên gia nước ngoài tham gia hợp tác nghiên cứu; hơn 200 nghiên cứu sinh và học viên cao học, cùng đông đảo lượng sinh viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu cũng như phục vụ nghiên cứu cho các nhiệm vụ của Chương trình.
Những con số phản ánh mức độ hoàn thành chỉ tiêu về ứng dụng vào thực tiễn: 40% đề tài nghiên cứu có kết quả (các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học khác) đóng góp trực tiếp, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước (vượt mức so với chỉ tiêu đề ra); 80% số đề tài có kết quả (các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học khác) góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách ở Bộ, ngành, địa phương (đạt 100% so với chỉ tiêu đề ra); 100% số đề tài có kết quả cung cấp những luận giải cho việc nâng cao nhận thức, lý luận và thực tiễn, góp phần phát triển khoa học xã hội và nhân văn (vượt mức so với chỉ tiêu đề ra)
Những con số phản ánh sản phẩm khoa học của Chương trình:100% đề tài có sách chuyên khảo, trong đó có đề tài có 02 sách chuyên khảo; 30% đề tài có công bố quốc tế; 400 bài báo từ kết quả nghiên cứu của các đề tài đã được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế; 22 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI, Scopus; 161 bài tham luận tại hội thảo khoa học quốc gia; 26 bài tham luận hội thảo khoa học quốc tế; gần 100 hội thảo khoa học quốc gia được tổ chức, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành.
Những con số về kết quả đào tạo của Chương trình: 100% đề tài tham gia đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ, 99 tiến sỹ được đào tạo,151 thạc sỹ đã bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ.
Có thể nói, Chương trình đã đáp ứng tốt các yêu cầu đề ra và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu về ứng dụng, về sản phẩm khoa học và đào tạo, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn trong việc cung cấp luận cứ khoa học mang tính dẫn dắt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Hội nghị Tổng kết Chương trình KX.01/16-20 sẽ diễn ra từ 13 giờ 30 ngày 19/10/2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với các điểm cầu trên toàn quốc. Điểm cầu chính tại Bộ Khoa học và Công nghệ, 113 Trần Duy Hưng, Hà Nội. Các điểm cầu tại Hà Nội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn); điểm cầu tại Đà Nẵng (Học viện Chính trị khu vực III, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng); điểm cầu tại Cần Thơ (Trường Đại học Cần Thơ); điểm cầu tại Thái Nguyên (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên). Ngoài ra, tại TP Hồ Chí Minh, các nhà khoa học sẽ tham gia tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực II.
ĐHL