Để theo sát sự thay đổi của thị trường xe điện, VPI đã nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước để đưa ra chỉ dấu, đánh giá mức độ quan trọng của từng chỉ dấu (thông qua trọng số của các chỉ dấu); cập nhật liên tục hiện trạng các chỉ dấu của thị trường EV Việt Nam và đưa ra chỉ số EVI (Electric Vehicles Index) để đánh giá hiện trạng thị trường EV trong nước.
Theo kết quả nghiên cứu của VPI, chỉ số EVI của Việt Nam trong quý III/2021 đạt 1,6/5 điểm (tương ứng với 32%) thông qua đánh giá các chỉ dấu gồm: chính sách, mạng lưới trạm sạc, chi phí sở hữu phương tiện (giá xe, chi phí vận hành bảo dưỡng, giá trị bán lại, thuế phí khác), thị hiếu (độ tuổi, lựa chọn thay thế), GDP/đầu người, công nghệ (tuổi thọ pin, thời gian sạc/số km di chuyển và mức độ tương thích giữa các cổng sạc của các hãng xe) và thị trường EV khu vực.
Về chính sách, Việt Nam chưa có lộ trình/mục tiêu phát triển xe điện, chưa có hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn đầy đủ để phản ánh cụ thể tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của các bộ phận, hệ thống và các xe hoàn chỉnh. Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) cũng chưa xét đến phụ tải là xe điện.
Tuy nhiên, Việt Nam đã có chính sách giảm chi phí sở hữu EV như: Miễn phí trước bạ với xe bus sử dụng năng lượng sạch, khuyến khích phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường; thuế tiêu thụ đặc biệt của xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện chỉ bằng 70% xe động cơ đốt trong (ICE) cùng dung tích, xe ô tô điện được áp mức thuế từ 5-15% tùy số chỗ của xe (trong khi đó thuế áp dụng cho xe ICE từ 10-150% tùy theo số chỗ và dung tích xi lanh).
Về thị trường khu vực châu Á, các quốc gia có định hướng, lộ trình phát triển EV, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc với 22 doanh nghiệp sản xuất EV, 9 doanh nghiệp sản xuất phần mềm cho EV.
Về lựa chọn thay thế, có 47 hãng xe sản xuất ô tô điện trên thế giới, đứng đầu trong công nghệ EV là Chevrolet, Ford, Volkswagen (Porsche), Kia, Tesla, BMW, Nissan… Trong khi đó, Việt Nam có 1 mẫu xe ô tô điện VF e34 của Vinfast (ra mắt ngày 15/10/2021), 2 mẫu còn lại của Vinfast dự kiến ra mắt vào năm 2022- 2023, còn lại là xe nhập khẩu theo đặt hàng, chưa có đại lý phân phối chính thức.
Về mạng lưới trạm sạc, VinFast có khoảng 500 trạm sạc xe điện (tính đến tháng 6/2021), đã công bố bản đồ phân bố và đang tiếp tục xây dựng 1.000 trạm sạc trong cả nước. Ngoài ra, có thêm 2 trạm sạc xe điện tại cửa hàng xăng dầu PV OIL Đà Nẵng.
Chi phí sở hữu xe điện trung bình gồm: giá mua xe, chi phí vận hành bảo dưỡng, giá trị bán lại và các loại thuế phí khác. Tại Việt Nam, tỷ lệ giá dòng xe VFe34 (690 triệu đồng) của VinFast so với các dòng xe ICE tương đương ở mức 0,7 - 0,9 khi áp dụng các chính sách hỗ trợ của Vinfast, chính sách thuê pin. Con số này tăng lên 1,2 nếu không áp dụng các chính sách trên.
Theo đánh giá của VPI, Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường EV trong tương lai bởi hiện tại tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam ở mức 23 ô tô/1.000 người, con số này chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, các doanh nghiệp dự định tham gia chuỗi giá trị thị trường EV nên tiếp tục theo dõi, cập nhật các chỉ dấu và EVI để có cơ sở ra quyết định phù hợp.
IHS Markit dự báo đến năm 2027, chi phí sản xuất xe điện sẽ ngang bằng với chi phí sản xuất xe ICE ở Trung Quốc và châu Âu. Trong số 89 triệu xe được bán ra vào năm 2030, dự báo sẽ có 23,5 triệu xe điện (chiếm gần 27%).
Nguyễn Thị Việt Hà (VPI)