Chủ nhật, 03/10/2021 09:35

Nhiều thách thức cho nền kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Tại hội thảo: “Bức tranh kinh tế Việt Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Dự báo kinh tế quý IV năm 2021 và triển vọng năm 2022” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ tổ chức trực tuyến ngày 1/10/2021, các đại biểu cho rằng, còn nhiều thách thức cho nền kinh tế khu vực ĐBSCL trong thời gian tới.

Theo đánh giá của VCCI Cần Thơ, làn sóng lây lan dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cả nước, trong đó có khu vực ĐBSCL, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động. Thống kê cho thấy, ĐBSCL có 2.109 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 23,70%), 4.557 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 58,12%). Điều này cho thấy, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường của cả nước cũng như ở khu vực ĐBSCL đang ngày một gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở các địa phương. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng như GDP 9 tháng tăng trưởng dương (1,42%), tổng kim ngạch xuất/nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao (tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước), đặc biệt Bạc Liêu là tỉnh duy nhất có mức tăng trưởng kinh tế dương 2% từ ngành sản xuất điện…

Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, các tỉnh khu vực ĐBSCL cần phải liên kết với nhau trong việc mở cửa phát triển kinh tế; nông nghiệp vẫn là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế của cả nước và khu vực ĐBSCL; mở cửa thị trường; ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời để giúp các doanh nghiệp thích ứng với điều kiện sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới…

Với những khó khăn còn đang ở phía trước đối với các doanh nghiệp khi bước vào hoạt động sản xuất trong giai đoạn sắp tới, các chuyên gia kinh tế đã phân tích, làm rõ những vấn đề đặt ra để khôi phục kinh tế, về thị trường trong nước và thế giới, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp; đồng thời, đề ra những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tái khởi động và phục hồi như mở cửa thị trường, đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, nghiên cứu thành lập Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu tại ĐBSCL ...

Nguyễn An Nhiên

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)