Thứ sáu, 30/07/2021 16:44

Phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030: Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao chất lượng nguồn cung và kích cầu doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 về việc ban hành “Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia đến năm 2030”, hứa hẹn sự phát triển cả về “chất” và “lượng” của thị trường này ở Việt Nam trong thời gian tới.  Nhân dịp này phóng viên Tạp chí KH&CN Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Nghiệm (Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN) về nội dung chính của Chương trình và những biện pháp để đưa mục tiêu thành hiện thực.

Xin ông đánh giá về tình hình phát triển của thị trường KH&CN Việt Nam hiện nay?

Theo tôi, sự phát triển của thị trường KH&CN Việt Nam có thể chia thành 2 giai đoạn chính. Giai đoạn 2000-2010 là giai đoạn bước đầu của việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của đất nước. Đây cũng chính là giai đoạn nền móng cho việc hình thành các thể chế về thị trường KH&CN. Tuy nhiên ở giai đoạn này, thị trường KH&CN Việt Nam mới hình thành và phát triển ở mức độ rất sơ khai. Lượng giao dịch trên thị trường KH&CN lúc này không đáng kể và đơn điệu, chủ yếu diễn ra giữa đối tác nước ngoài và Việt Nam. Giai đoạn 2 được bắt đầu từ năm 2011, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 890/QĐ-TTg thành lập Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN trực thuộc Bộ KH&CN để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN. Một loạt các chính sách, chương trình phục vụ phát triển thị trường KH&CN đã được ban hành, trong đó có Chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (theo Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ).

Sau 10 năm xây dựng và phát triển, với những thuận lợi và thách thức đan xen, có thể nói đến nay cơ bản thị trường này đã được định hình và đang vận hành đúng quy luật. Hiện cả nước đã có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KH&CN như: sàn giao dịch công nghệ, trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ, trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, tổ chức cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; tổ chức thẩm định, giám định công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Các tổ chức kiểu mới cũng phát triển mạnh mẽ, với 69 cơ sở ươm tạo (Business Incubator - BI), tăng 49 cơ sở so với năm 2016. Các tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Business Accelerator - BA), đặc biệt trong khu vực tư nhân, mang đến làn sóng mới cho cộng đồng khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam. Hiện đã có 28 chương trình thúc đẩy kinh doanh được triển khai, tăng thêm 3 chương trình so với năm 2020 và gấp gần 6 lần số lượng của năm 2016.

Tính thương mại của các kết quả nghiên cứu từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học đang có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Đơn vị điển hình trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu giai đoạn 2011-2020 là Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh với doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng.

Chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (vừa kết thúc) đã có những đóng góp như thế nào vào sự phát triển nêu trên, thưa ông?

Chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 là dấu mốc quan trọng giúp thị trường KH&CN từng bước hoàn thiện theo đúng xu hướng hội nhập quốc tế và đã có những tác động ban đầu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN ở nước ta. Việc triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình đã thu hút và huy động sự quan tâm, hưởng ứng tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân thuộc các bộ/ngành, địa phương trong cả nước. Thông qua thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Chương trình, sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp đã được củng cố và phát huy tác dụng. Các doanh nghiệp đã bước đầu chủ động liên kết cùng các viện/trường trong việc tìm kiếm, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào việc triển khai các dự án tiếp thu làm chủ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ bằng việc đối ứng nguồn vốn, nhân lực và các trang thiết bị cần thiết.

Điển hình như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhựa gỗ châu Âu đã tham gia thực hiện dự án thương mại hóa công nghệ sản xuất vật liệu gỗ nhựa thân thiện với môi trường với tổng kinh phí 10,9 tỷ đồng, trong đó đối ứng từ phía Công ty là 7.63 tỷ đồng (70%). Trong khuôn khổ dự án này một sáng chế độc quyền của Viện Kỹ thuật nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (cơ quan chuyển giao) đã được thương mại hóa và đem lại kết quả rất lớn: quy trình công nghệ và quy trình sản phẩm của doanh nghiệp đã được đổi mới tạo doanh thu đột biến (doanh thu năm 2019 đạt 500 tỷ đồng, năm 2020 đạt 800 tỷ đồng) từ việc xuất khẩu các sản phẩm nhựa gỗ cho thị trường châu Âu. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn, tác động và hiệu quả của các nhiệm vụ thuộc Chương trình đối với cộng đồng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Xin ông cho biết những mục tiêu chính của Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030?

Có thể nói giai đoạn 2011-2020 là giai đoạn định hình thị trường KH&CN Việt Nam với 14 văn kiện (Nghị quyết, Quyết định của Đảng, Chính phủ), 04 Luật, 06 Nghị định và 12 thông tư quy định về cơ chế, biện pháp về ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn cung - nguồn cầu công nghệ, giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hỗ trợ và phát triển tổ chức trung gian; chính sách khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo; công nhận quyền tài sản, quyền sở hữu đối với các kết quả nghiên cứu khoa học; sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; ưu đãi, miễn giảm thuế cho khởi nghiệp sáng tạo… Giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung  mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng giao dịch hàng hóa KH&CN trên thị trường.

Theo Quyết định số 1158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030 đã đề ra các mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2025: giá trị giao dịch hàng hoá KH&CN hàng năm tăng bình quân 25%, trên 30% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực; tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 15%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 30%; tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 35% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước; hình thành và phát triển 80 tổ chức trung gian và 3 mạng lưới tổ chức trung gian chuyên sâu cho 3 ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Đến năm 2030: giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN hàng năm bình quân đạt 30, trên 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực; tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 20%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%; tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước; phát triển trên 240 tổ chức trung gian KH&CN và 6 mạng lưới tổ chức trung gian chuyên sâu cho 6 ngành hàng xuất khẩu chủ lực; số hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường; hiện đại hóa hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN, kết nối hiệu quả với mạng lưới tổ chức trung gian khu vực và toàn cầu.

Để thực hiện các mục tiêu này, Chương trình đã đề ra những giải pháp như thế nào, thưa ông?

Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN thông qua các giải pháp: 1) Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thị trường KH&CN, thúc đẩy các giao dịch hàng hóa KH&CN; 2) Xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực cạnh tranh để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường KH&CN; cơ chế liên thông thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính và lao động; cơ chế đẩy mạnh hợp tác viện nghiên cứu, trường đại học - doanh nghiệp; chính sách thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh; 3) Nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả chuyên gia KH&CN là người nước ngoài và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường KH&CN của Việt Nam; 4) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, chế độ báo cáo thống kê của thị trường KH&CN.

Thúc đẩy nguồn cầu của thị trường KH&CN thông qua việc điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, năng lực giải mã, hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cầu công nghệ và xuất bản báo cáo phân tích nhu cầu công nghệ của một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - viện nghiên cứu, trường đại học theo hướng đặt hàng công nghệ hoặc hình thành dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đánh giá, định giá, thẩm định giá công nghệ; tìm kiếm, lựa chọn và tiếp nhận, thử nghiệm công nghệ; khai thác, phát triển tài sản trí tuệ...

Thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KH&CN thông qua việc cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa KH&CN trên thị trường. Đẩy mạnh hoạt động thúc đẩy chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng tác động lớn và lan tỏa, trước hết là đối với một số lĩnh vực công nghiệp/ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Hỗ trợ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; ưu tiên hỗ trợ các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ giới hoá, chế biến sâu trong nông nghiệp, phục vụ yêu cầu phát triển vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh hình thành và phát triển một số tổ chức trung gian có vai trò đầu mối, cung cấp các dịch vụ công có tính hệ thống về thị trường KH&CN. Nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian, nhất là các tổ chức trung gian thuộc tổ chức KH&CN lớn, đa ngành và gắn với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN thuộc khu vực tư nhân...

Bên cạnh đó, các hoạt động như tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường KH&CN; phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN... cũng được coi là các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH&CN, trong thời gian tới, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN sẽ tập trung vào những công việc nào để góp phần hoàn thành tốt mục tiêu của Chương trình, thưa ông?

Để hiện thực hóa các mục tiêu mà Chương trình đề ra, trong thời gian tới Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN sẽ tập trung triển khai các công việc sau: 

Thứ nhất, kiện toàn bộ máy quản lý giúp việc cho Bộ trưởng về tổ chức thực hiện chương trình.

Thứ hai, xây dựng và trình Bộ KH&CN ban hành thông tư quản lý Chương trình, thông tư tài chính, xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai Chương trình (có sự tham gia của các bộ/ngành, địa phương)

Thứ ba, tổ chức hướng dẫn các bộ/ngành, địa phương xây dựng đề án phát triển thị trường KH&CN lồng ghép với kế hoạch/đề án phát triển kinh tế - xã hội của từng bộ/ngành, địa phương.

Cùng với đó, Cục sẽ ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình như đẩy mạnh hình thành và phát triển một số tổ chức trung gian có vai trò đầu mối; xây dựng Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện: MN

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)