Ở Thừa Thiên - Huế, cam được trồng tập trung tại huyện Nam Đông, nơi có các yếu tố khí hậu và đất đai phù hợp cho sự sinh trưởng phát triển của cây cam. Từ trước năm 2000, huyện Nam Đông đã có diện tích đất trồng cam trên 100 ha (chiếm khoảng 20% diện tích vườn toàn huyện). Cam được trồng tập trung ở các xã Hương Phú, Hương Xuân, Hương Lộc… Giống chủ lực là cam Sài Gòn, giống này do người dân từ xã Vinh Mỹ - Phú Lộc đưa lên Nam Đông; ngoài ra còn có cam Chấp, cam Voi tuy chất lượng kém và nhiễm sâu đục thân, nhưng do năng suất cao nên người dân vẫn tiến hành nuôi trông. Hiện nay, các hộ trồng cam ở huyện Nam Đông đều đã áp dụng một số kỹ thuật canh tác cơ bản. Theo đó, có khoảng 60-75% hộ có tưới nước cho vườn cây, 80-90% hộ dân có sử dụng phân bón, 50-70% hộ đã có cắt tỉa, tạo tán cho cây, 60-75% số hộ đã có áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cho vườn cây của mình. Tuy nhiên, các hộ áp dụng theo khả năng tự hiểu biết của bản thân hoặc học hỏi kinh nghiệm nhau, nên việc ứng dụng kỹ thuật chưa khoa học.
Theo báo cáo của đơn vị chủ trì, việc phát triển cây cam ở Nam Đông còn thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng với tiềm năng sản suất. Bên cạnh đó, chất lượng các vườn cam không đồng đều, mẫu mã chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường dẫn đến việc liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, để phát triển cây cam của Nam Đông theo hướng bền vững, có hiệu quả cao theo chuỗi giá trị, dự án cần tập trung vào các nhóm giải pháp như: quy hoạch vùng trồng; tập trung đầu tư cải tạo, chăm sóc, mạnh dạn phá bỏ các cây già cỗi, sâu bệnh, còi cọc để trồng mới thay thế bằng giống chất lượng cao, sạch sâu bệnh; áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào trồng trọt nhằm tăng năng xuất và sản lượng cây trồng. Theo đó, mục tiêu cụ thể của dự án là xây dựng thành công mô hình 5 ha sản xuất cam Nam Đông, đạt tiêu chuẩn VietGAP, với năng suất đạt 12-15 tấn/ha; xây dựng thành công mô hình 2 ha trồng và chăm sóc cam Nam Đông thời kỳ kiến thiết cơ bản theo hướng VietGAP; hoàn thiện 2 quy trình trồng mới và sản xuất cam Nam Đông an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ nông dân tham gia dự án tại huyện Nam Đông; đăng ký giấy chứng nhận sản xuất quả an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP; bộ hồ sơ nội bộ theo dõi mô hình thời kỳ kiên thiết cơ bản theo hướng VietGAP; đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao trình độ cho cán bộ kỹ thuật viên cơ sở và người nông dân vùng thực hiện dự án và từ đó có thể nhận rộng mô hình tại các địa phương có điều kiện thời tiết tương tự. Sự thành công của dự án được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội cho địa phương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Xuân Bình