Thứ tư, 27/09/2017 16:18

Các viện nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp - Cần chính sách hỗ trợ

trangvth

Đến nay, một số viện nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam đã có những thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để các viện nghiên cứu đủ mạnh, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, cần tăng cường chính sách hỗ trợ.

Nhiều viện nghiên cứu gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển 

Đóng góp không nhỏ

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam, các viện nghiên cứu ứng dụng định hướng công nghệ công nghiệp đã được hình thành từ rất sớm, nhất là trong 5 lĩnh vực: Cơ khí và tự động hóa, vật liệu - hóa học, năng lượng, khai khoáng, điện tử, tin học nhằm phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. 

Cụ thể, lĩnh vực cơ khí và tự động hóa có 14 viện với 25 phòng thí nghiệm chuyên ngành; vật liệu - hóa học có 30 viện, sở hữu 1 phòng thí nghiệm trọng điểm, 100 phòng thí nghiệm chuyên ngành; năng lượng sở hữu 4 viện lớn, 2 phòng thí nghiệm trọng điểm, 40 phòng thí nghiệm chuyên ngành; khai khoáng có 2 viện lớn; điện tử, tin học có 4 viện lớn.

Một số viện nghiên cứu đã có những thành công đáng ghi nhận. Tiêu biểu, Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) thành lập năm 1973, đến nay đã trở thành viện nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, nổi bật trong chế tạo sản phẩm cơ điện tử trong máy công cụ, máy chế biến nông sản, máy xây dựng, thiết bị đo lường công nghiệp, xử lý và bảo vệ môi trường. Hay Viện Nghiên cứu cơ khí thành lập từ năm 1962, đã có những đóng góp không nhỏ cho ngành cơ khí Việt Nam trong Chương trình nội địa hóa thiết bị cho các ngành công nghiệp. Viện đã thiết kế, tích hợp, viết chương trình điều khiển, cung cấp, đào tạo, đưa vào vận hành nhiều hệ thống tự động hóa cho các công đoạn hay toàn bộ nhà máy: Giấy, xi măng, thủy điện và các thiết bị của nhà máy nhiệt điện...

Khó tiếp cận nguồn vốn

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm của nhiều viện nghiên cứu hiện nay, đặc biệt là các viện thuộc các tổng công ty như: Viện Luyện kim đen, Viện Nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố... đều xuống cấp và lạc hậu về công nghệ, cũ về kỹ thuật. Dù vậy, các viện này vẫn phải tận dụng để phục vụ công tác nghiên cứu, thực nghiệm. 

Việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển của nhà nước còn gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đầu tư từ các tổng công ty lại eo hẹp, không đáp ứng yêu cầu phục vụ nghiên cứu. Bên cạnh đó, các viện vẫn gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng và hình thành nguồn vốn lưu động phục vụ cho hoạt động kinh doanh, chuyển giao công nghệ. 

Nguồn vốn lưu động thấp, khả năng huy động vốn hạn chế, lãi suất ngân hàng cao là những khó khăn, thách thức trong việc triển khai hoạt động sản xuất, dịch vụ về khoa học và công nghệ. Các viện hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng không thể sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn thực hiện các hợp đồng kinh tế lớn. 

Theo các chuyên gia, tỷ lệ kết quả nghiên cứu thành công ở quy mô phòng thí nghiệm được phát triển thành dự án sản xuất thử nghiệm còn thấp là do thiếu tiềm lực trang thiết bị và tài chính. Số lượng sáng chế, công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín còn ít. Chúng ta vẫn chưa có viện nghiên cứu ứng dụng đủ mạnh về quy mô, đội ngũ nhân lực trình độ cao, hạ tầng nghiên cứu hiện đại để có thể cung cấp công nghệ và trợ giúp kỹ thuật tiên tiến, tác động mạnh tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. 

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, để đạt mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Việt Nam cần hình thành các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ mạnh cả về lượng và chất, làm đòn bẩy thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Quỳnh Nga

http://baocongthuong.com.vn/cac-vien-nghien-cuu-trong-linh-vuc-cong-nghiep-can-chinh-sach-ho-tro.html

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)