Dự án SEA-PLASTIC-EDU do Đại học Tài nguyên và Khoa học Đời sống Vienna (Áo) làm điều phối chính, đối tác châu Âu là Đại học Công nghệ Dresden (Đức) và Đại học Aalborg (Đan Mạch); đối tác châu Á là Đại học Quốc gia Lào, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) và Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh. Dự án có mục tiêu hỗ trợ các trường đại học ở Lào và Việt Nam cập nhật và hiện đại hóa các kiến thức về quản lý chất thải và tái chế nhựa; nâng cao mối liên hệ giữa các nhà khoa học với các tổ chức, doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực sản xuất/tái chế nhựa tại Việt Nam, Lào và EU.
Trong thời gian thực hiện dự án (từ tháng 5/2018 đến tháng 12/2020), các bên tham gia đã hoàn thành tốt mục tiêu đề ra như: phát triển các sản phẩm đào tạo bậc đại học và sau đại học, phát triển các sản phẩm đào tạo cho các công ty, phát triển dữ liệu, thông tin kỹ thuật số, giảng dạy thí điểm (viết 17 chương giáo trình ứng dụng cho quản lý chất thải và nhựa áp dụng cho bậc đại học, sau đại học và các doanh nghiệp)... Các hoạt động chuyên môn được tổ chức thường xuyên và rất hiệu quả như: tổ chức 5 cuộc họp trực tiếp và hội thảo tại Hà Nội, Vientian, TP Hồ Chí Minh, Viên (Áo), Dresden (Đức); tổ chức 21 cuộc họp trực tuyến giữa tất cả các thành viên của dự án và nhiều cuộc họp trực tuyến giữa hai/nhiều đối tác để giải quyết các nội dung công việc.
Chia sẻ về dự án, bà Lê Thị Yến Nga - Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến cho biết: Công ty đã hợp tác với nhóm nghiên cứu và Công ty CP Công nghệ xanh Babio để sử dụng phụ phẩm vỏ trấu cà phê sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường như các loại sản phẩm bao gói, dao, thìa, dĩa...). Sản phẩm cà phê cũng như trà hoa quả do Công ty sản xuất không sử dụng phẩm màu và chất bảo quản, đáp ứng được thị hiếu và yêu cầu cao của khách hàng trong nước và quốc tế. Việc tận dụng các phụ phẩm của cà phê giúp giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.
GS.TS Nguyễn Văn Nội - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Giám đốc Phòng thí nghiệm Trọng điểm Vật liệu Tiên tiến ứng dụng trong phát triển xanh, cho biết: Tuy dự án SEA-PLASTIC-EDU đã kết thúc, nhưng công việc “nối dài” của dự án vẫn được triển khai thông qua “Trung tâm hợp tác về quản lý và kiểm định chất lượng nhựa” do EU tài trợ. Hiện các thủ tục xin thành lập Trung tâm hợp tác đang được hoàn thiện. Dự kiến, “Trung tâm hợp tác về quản lý và kiểm định chất lượng nhựa” sẽ được đặt tại Phòng thí nghiệm Trọng điểm Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong Phát triển xanh. Các trang thiết bị về phân tích nhựa sẽ do EU tài trợ. Hoạt động của Trung tâm hợp tác sẽ nhằm hỗ trợ sinh viên, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhựa/nhựa thải, vì mục tiêu giảm thiểu chất thải nhựa, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, một trong những dòng chất thải ngày càng nhiều và cần được xử lý là nhựa, nhóm vật liệu được sử dụng rộng rãi trong sản xuất bao bì, các sản phẩm tiêu dùng như thiết bị điện và điện tử và hàng hóa gia dụng. Các rủi ro liên quan đến dòng chất thải này cao hơn nhiều so với rác thải sinh hoạt, do độ bền rất cao của rác thải nhựa trong môi trường, đồng thời chúng chứa các vật liệu nguy hại như kim loại nặng, các chất chống cháy chứa brom - là những chất ô nhiễm được phát thải vào môi trường khi áp dụng những những biện pháp xử lý không phù hợp. Để quản lý dòng chất thải này một cách hợp lý, cần có những kiến thức sâu rộng về quản lý chất thải, công nghệ và kiểm soát phát thải. Có thể nói, dự án SEA-PLASTIC-EDU đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý nhựa thải.
HH-HUS