Thứ năm, 31/12/2020 11:39

Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030

Ngày 29/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030” nhằm rà soát, đánh giá kết quả triển khai Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 và lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia trong nước về định hướng cụ thể triển khai Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030.

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn qua, Đề án đã triển khai thực hiện 148 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó có 97 đề tài (chiếm 65,5%) và 51 dự án sản xuất thử nghiệm (chiếm 34,5%), đặc biệt từ năm 2016 đến nay, 100% nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) đã có sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp; đã nghiên cứu, hoàn thiện được hơn 200 quy trình công nghệ, ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, kinh doanh; hơn 75 sản phẩm tiêu biểu thuộc Đề án đã được nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp tham gia; đã đào tạo được gần 200 TS, ThS; 2 phòng thí nghiệm đã đi vào hoạt động và đang tham gia gia vào mạng lưới các phòng thí nghiệm để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ vi sinh, phân tích kiểm tra, kiểm nghiệm thực phẩm, góp phần không nhỏ vào công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong nước…

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ KH&CN Bộ Công Thương Trần Việt Hòa khẳng định, Đề án đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Ông Trần Việt Hòa cho biết, dựa trên những kết quả và kinh nghiệm triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2007-2020, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng dự thảo Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 với mục tiêu chung là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến, đổi mới cơ chế chính sách, tranh thủ hợp tác và hỗ trợ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư nhằm đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị sản xuất để nâng cao hiệu quả ứng dụng nghiên cứu, nâng cấp quy mô công nghệ, công suất sản xuất, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để tạo ra các sản phẩm sạch và an toàn tại các doanh nghiệp; đón đầu cơ hội phát triển đột phá từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo ra một ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng và góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030.

Tại Hội thảo các đại biểu đã cùng nhau thảo luận và cho ý kiến về 5 nhóm giải pháp, bao gồm 1) giải pháp về phát triển KH&CN; 2) giải pháp về chính sách, đầu tư và tài chính; 3) giải pháp về phát triển tiềm lực; 4) giải pháp về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp sinh học ngành Công Thương; và 5) giải pháp về thông tin, truyền thông.

Phong Vũ
 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)