Thứ năm, 03/12/2020 16:02

Cam kết về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong EVFTA

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) luôn là vấn đề khúc mắc trong thực tế thi hành pháp luật về SHTT, vì vậy cũng là chủ đề được phía Liên minh châu Âu (EU) chú trọng đàm phán trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Về cơ bản, EVFTA đưa ra các yêu cầu về thực thi SHTT theo hướng nghiêm khắc hơn, trao quyền cao hơn cho chủ thể thực thi (đặc biệt tại biên giới) và chủ sở hữu quyền, đồng thời nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền SHTT.

Tòa án có vai trò quan trọng trong thực thi quyền SHTT.

EVFTA có một số cam kết mới đáng chú ý so với pháp luật hiện hành của Việt Nam sau đây:

Một là, về các biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm: EVFTA đòi hỏi phải cho chủ thể quyền quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp này vào bất kỳ thời điểm nào (chứ không chỉ là khi hoặc sau khi đã khởi kiện vụ việc dân sự tại Tòa án) và mở rộng các tình huống cho phép yêu cầu biện pháp tạm thời (thay vì chỉ 2 tình huống như Việt Nam quy định hiện nay).

Hai là, về nghĩa vụ cung cấp thông tin: EVFTA có quy định cụ thể về các trường hợp Tòa án được quyền yêu cầu các bên cung cấp thông tin về hành vi vi phạm trong vụ việc đang xem xét (trong khi pháp luật Việt Nam cho Tòa án quyền yêu cầu không hạn chế); EVFTA mở rộng phạm vi các đối tượng phải cung cấp thông tin cho Tòa án theo yêu cầu của Tòa (theo pháp luật Việt Nam thì hiện Tòa chỉ có quyền yêu cầu bên đương sự cung cấp thông tin).

Ba là, về quyền của Tòa án: EVFTA yêu cầu Tòa án phải có quyền ra lệnh cấm, thu giữ hàng hóa vi phạm SHTT đối với không chỉ các chủ thể vi phạm (như pháp luật Việt Nam hiện đang quy định) mà còn cả đối với các chủ thể làm dịch vụ lưu giữ, vận chuyển, quản lý hàng hóa vi phạm mà không phải là chủ thể vi phạm; EVFTA còn yêu cầu Tòa án được quyền ra các lệnh cấm đối với các hành vi vi phạm tương tự sau đó (trong khi theo pháp luật hiện hành thì Tòa án sẽ phải xét xử lại các hành vi này rồi mới áp dụng lệnh cưỡng chế được).

Bốn là, về các biện pháp xử lý thay thế: EVFTA khuyến nghị Việt Nam cho phép áp dụng biện pháp bồi thường bằng tiền để thay thế cho các biện pháp khắc phục khác.

Năm là, về việc xác định thiệt hại làm cơ sở để bồi thường: EVFTA yêu cầu Việt Nam phải phân biệt cách xác định thiệt hại trong trường hợp người vi phạm biết hoặc có cơ sở để biết về việc mình đang vi phạm và trường hợp người vi phạm không biết rằng mình đang vi phạm (hiện Việt Nam chưa phân biệt hai trường hợp này).

Sáu là, về nguyên tắc suy đoán chủ thể quyền tác giả trong tố tụng về SHTT: EVFTA đặt ra quy tắc về suy đoán quyền, theo đó trừ khi có chứng cứ ngược lại, người có tên trên tác phẩm sẽ được suy đoán là tác giả.

Đối với các biện pháp thực thi tại biên giới, EVFTA có cam kết mới đáng chú ý liên quan tới sự tham gia của cơ quan hải quan trong thực thi quyền SHTT. Cụ thể, EVFTA yêu cầu cơ quan hải quan phải tham gia tích cực, hợp tác với chủ thể quyền để thực hiện thực thi quyền SHTT tại biên giới (trong khi hiện Việt Nam mới chỉ quy định theo chiều ngược lại, rằng chủ thể quyền có thể tham gia cùng cơ quan hải quan, còn cơ quan này vẫn chủ động thực hiện việc của mình).

VVH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)