Chủ nhật, 29/11/2020 16:25

Tổng kết Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ

Ngày 28/11/2020, tại TP Bến Tre đã diễn ra Hội nghị Tổng kết Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững (PTBV) vùng Tây Nam bộ năm 2020. Tham dự Hội nghị có nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Quang Thuấn; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc; nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, cùng đại diện của các đề tài, dự án thuộc Chương trình Tây Nam bộ. 

Phó Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân - đồng chủ nhiệm Chương trình Tây Nam bộ phát biểu khai mạc Hội nghị

Với 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc trung ương (TP Cần Thơ), vùng Tây Nam bộ là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, vùng Tây Nam bộ đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước. Đây cũng là nơi có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho phát triển du lịch. Nhận rõ tầm quan trọng của địa bàn chiến lược này, Đảng và Chính phủ đã dành cho vùng Tây Nam bộ sự quan tâm đặc biệt, với nhiều chính sách, chương trình ưu tiên đầu tư và đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. 

Được Bộ KH&CN phê duyệt tại Quyết định số 734/QĐ-BKHCN ngày 18/4/2014 và gia hạn Chương trình đến năm 2020 tại Quyết định số 3313/QĐ-BKHCN ngày 24/11/2017, đến nay “Chương trình KH&CN phục vụ PTBV vùng Tây Nam bộ 2014-2019”, mã số KHCN-TNB/14-19 đã triển khai thực hiện 62 nhiệm vụ, trong đó có 21 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực KHXH&NV và PTBV, 41 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và môi trường, với 2 dự án sản xuất thử nghiệm. Chương trình Tây Nam bộ do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đồng chủ trì, trong đó, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực KHXH&NV, PTBV; Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và môi trường.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu chào mừng Hội nghị

Với tổng kinh phí thực hiện 314,749 tỷ đồng (trong đó kinh phí từ Ngân sách nhà nước 294,849 tỷ đồng, nguồn khác 19,900 tỷ đồng), Chương trình Tây Nam bộ có 3 mục tiêu cơ bản: i) Cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách PTBV vùng Tây Nam bộ giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ii) Đề xuất giải pháp KH&CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong PTBV vùng Tây Nam bộ; iii) Triển khai có hiệu quả các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển KT - XH vùng Tây Nam bộ đã được xác định trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 (Quyết định số 481/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

Các nội dung nghiên cứu chính của Chương trình tập trung vào 3 vấn đề sau: 

Nghiên cứu, xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách PTBV vùng Tây Nam bộ, bao gồm: a) Đánh giá tổng kết thực tiễn phát triển KT - XH vùng Tây Nam bộ trong 30 năm đổi mới và phát triển; nghiên cứu đề xuất quan điểm, mô hình, định hướng và hệ giải pháp cho PTBV vùng Tây Nam bộ và các tỉnh trong vùng; dự báo bối cảnh mới trong nước và quốc tế và tác động đến PTBV vùng Tây Nam bộ giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; b) Đánh giá các chương trình, dự án KH&CN từ năm 1986 đến nay phục vụ phát triển vùng Tây Nam bộ, việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, việc triển khai các quy hoạch và giải pháp ở vùng Tây Nam bộ về thể chế kinh tế thị trường, về kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ CNH, HĐH; c) Nghiên cứu đánh giá toàn diện thực trạng cơ cấu kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh và chuyển đổi sinh kế của các địa phương trong vùng Tây Nam bộ; đánh giá mức độ ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế của vùng Tây Nam bộ theo hướng bền vững; d) Nghiên cứu đánh giá các vấn đề cơ bản về quốc phòng và an ninh trong mối tương quan với các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường; e) Xây dựng bộ chỉ số PTBV vùng Tây Nam bộ, đề xuất khung và phác thảo mô hình PTBV vùng Tây Nam bộ giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghiên cứu các giải pháp KH&CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong PTBV vùng Tây Nam bộ, bao gồm: a) Nghiên cứu, đề xuất tăng luận cứ khoa học xây dựng cơ chế, thể chế hợp tác, hệ thống chính sách tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh và toàn vùng; b) Nghiên cứu xây dựng các mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất các ngành và sản phẩm phù hợp với đặc thù và thế mạnh của vùng Tây Nam bộ, đảm bảo tính liên kết giữa các lĩnh vực, liên kết vùng, liên kết giữa các chủ thể xã hội và khả năng hội nhập quốc tế; c) Nghiên cứu tổng thể hiệu ứng các công trình phòng chống xói lở - bồi tụ cửa sông, ven biển; bảo tồn và phát triển các vùng ngập mặn ven bờ, khu dự trữ sinh quyển, phục vụ phát triển kinh tế bền vững cho vùng Tây Nam bộ, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng; d) Triển khai một số mô hình liên kết giữa KH&CN với sản xuất, kinh doanh, giáo dục và đào tạo, kinh tế với văn hóa, hình thành các chuỗi giá trị hướng vào khai thác các lợi thế của vùng Tây Nam bộ; e) Xây dựng và chuyển giao cơ sở dữ liệu nguyên thiên nhiên môi trường, KT - XH cho vùng  Tây Nam bộ bằng các phần mềm tiên tiến, dễ truy cập; xây dựng các bộ Atlas điện tử phục vụ công tác quản lý điều hành của lãnh đạo các cấp; xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, đào tạo nguồn nhân lực quản lý khoa học và cơ chế cập nhật cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý lãnh thổ.

Triển khai các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển KT - XH vùng Tây Nam bộ, bao gồm: a) Ứng dụng có hiệu quả các giải pháp KH&CN phục vụ các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như sản xuất lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp; cung cấp giống cây, con, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, giải quyết đồng bộ các vấn đề liên quan đến vận chuyển, bảo quản, chế biến, dịch vụ tư vấn, tiếp thị quảng cáo, xây dựng thương hiệu, xuất khẩu… cho vùng Tây Nam bộ; b) Triển khai ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học vào một số lĩnh vực chủ yếu: nông - lâm - ngư nghiệp, y - dược, công nghiệp chế biến, xử lý và bảo vệ môi trường cho vùng Tây Nam bộ; c) Triển khai có hiệu quả công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị, dây chuyền tự động đồng bộ trong chế biến, bảo quản và đa dạng hóa các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, góp phần xây dựng các thương hiệu mạnh cho các sản phẩm xuất khẩu của vùng Tây Nam bộ; d) Ứng dụng hiệu quả các công nghệ tiên tiến và phù hợp nhằm sủ dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát triển các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió đi đôi với đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng cho vùng Tây Nam bộ.

Tọa đàm và thảo luận về phương thức triển khai ứng dụng kết quả KH&CN pha 1 và đề xuất pha 2

Chương trình Tây Nam bộ được thực hiện dựa trên quan điểm: tiếp cận theo hướng liên ngành và liên vùng; cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định và triển khai các chiến lược, mô hình và chính sách PTBV cho vùng Tây Nam bộ; đưa ngay những thành tựu KH&CN vào giải quyết các vấn đề bức xúc; mang lại hiệu quả tối ưu về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường sinh thái, đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại chỗ và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Sau hơn 5 năm thực hiện, hầu hết các nhiệm vụ, dự án KH&CN thuộc Chương trình Tây Nam bộ đã và đang được chuyển giao kết quả cho các bộ, ban, ngành, địa phương hoặc các doanh nghiệp tại 13 tỉnh/thành phố Đồng bằng Sông Cửu Long. Một số chuyển giao tiêu biểu có thể kể đến như: Xây dựng mô hình nuôi tôm bền vững tại các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long dựa trên kiểm soát và xử lý nước ao nuôi tôm bằng vật liệu và công nghệ nano: chuyển giao vật liệu nano bạc khử khuẩn nước ao nuôi trồng thủy sản và hệ thống cảm biến nano đánh giá chất lượng nước ao nuôi trồng thủy cho các Công ty TNHH: Hoàng Vũ (Bến Tre), Nhật Phát, Phan Anh (Kiên Giang), Hải Dương (Bình Thuận); Phân tích chuỗi giá trị ngành hàng tôm và xây dựng mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho vùng Tây Nam bộ: chuyển giao quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, quy trình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến theo 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ biofloc cho các doanh nghiệp và Hiệp hội nuôi tôm biển ở vùng Tây Nam bộ; Cải thiện chuỗi giá trị nấm rơm vùng Đồng bằng sông Cửu Long: chuyển giao 8 mô hình sản xuất meo giống và trồng nấm rơm trong nhà tại Sóc Trăng, kỹ thuật trồng nấm rơm cho Công ty DASCO (Đồng Tháp); Nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ mỡ cá tra và cá basa, nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề nuôi và chế biến cá da trơn ở một số tỉnh Tây Nam bộ: dự kiến chuyển giao 100 tấn/năm chất ổn nhiệt kẽm và canxi carboxylat từ dầu cá chất lượng thấp (hàm lượng nước >5%, FFA>15%) cho Công ty CP Hóa chất và Thiết bị Kim Ngưu (Cần Thơ)... Nhìn chung, các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và môi trường đã gắn với sản xuất và đời sống, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị các sản phẩm chủ lực (lúa, cây ăn quả, thủy sản), thúc đẩy phát triển KT - XH của các địa phương trong vùng, giải quyết những vấn đề cấp bách và lâu dài như biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở (bờ sông, bờ biển), phục vụ PTBV vùng Tây Nam bộ.

Trong lĩnh vực KHXH&NV và PTBT, nhiều kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng, phục vụ cho việc đề ra các chính sách, giải pháp phục vụ PTBV vùng Tây Nam bộ, gắn với việc triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về PTBV vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hâu. Có thể kể đến những nhiệm vụ như: Thể chế PTBV; Hệ thống chính trị cơ sở với yêu cầu PTBV vùng Tây Nam bộ hiện nay; Vấn đề dân số và di dân trong PTBV vùng Tây Nam bộ; Phát triển nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao phục vụ PTBV vùng Tây Nam bộ; Nghiên cứu tổng thể vấn đề dân tộc, tôn giáo đối với việc PTBV vùng Tây Nam bộ; Nghiên cứu luận cứ khoa học và đề xuất hệ giải pháp đột phá nhằm hiện thực hóa đặc khu kinh tế Phú Quốc; Tổng kết 30 năm đổi mới và phát triển vùng Tây Nam bộ trên quan điểm PTBV; Vấn đề đảm bảo quốc phòng và an ninh cho PTBV vùng Tây Nam bộ; Cơ chế, chính sách liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng đối với vùng Tây Nam bộ theo hướng PTBV; Thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp và thuỷ sản bền vững vùng Tây Nam bộ; Thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng bền vững vùng Tây Nam bộ.

Một số sản phẩm KH&CN của các nhiệm vụ thuộc Chương trình Tây Nam bộ

Đến nay, nhìn chung, Chương trình Tây Nam Bộ đã gần như hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến nhiều hoạt động chuyên môn nên một số nhiệm vụ cần thêm thời gian để đảm bảo hoàn thành và đạt kết quả tốt nhất. 

Trong phần thảo luận, đề xuất phương thức triển khai ứng dụng kết quả KH&CN pha 1 và đề xuất pha 2, các đại biểu đều thống nhất cần có sự sàng lọc, lựa chọn và công bố các mô hình có thể chuyển giao được từ pha 1, nhằm chuyển tải nhanh nhất những mô hình, giải pháp phù hợp ứng dụng cho thực tiễn các địa phương. Ở pha 2, nên có chiến lược ứng dụng có hiệu quả những kết quả tốt nhất của pha 1, và nghiên cứu thêm những vấn đề đang thiếu như: làm sao để có nước ngọt trong mùa khô, giải pháp giữ nước mùa lũ lụt để sử dụng cho mùa khô; định lượng, đánh giá những tác động xã hội của Chương trình Tây Nam bộ. Chương trình Tây Nam bộ giai đoạn tới cần cung cấp, bổ sung luận cứ khoa học cho việc đề xuất các chính sách phù hợp với điều kiện của bối cảnh mới; nghiên cứu và triển khai các giải pháp KH&CN liên ngành, xây dựng các mô hình ứng dụng KH&CN nhằm giải quyết các vấn đề trọng yếu, thúc đẩy PTBV vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ. Các nhiệm vụ được triển khai trong giai đoạn 2014-2020 sẽ là cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm, đồng thời mở rộng quy mô và nghiên cứu chiều sâu trong giai đoạn 2021-2025.

HG

                                
 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)