Kết quả kiểm tra cho thấy: Cơ quan chủ trì và chủ nhiệm dự án đã thực hiện đúng nội dung, tiến độ; yrồng được 4 ha khoai tây trái vụ, năng suất đạt 16-18 tấn/ha. Trao đổi với đoàn kiểm tra: ông Nguyễn Hữu Tân - Tổ trưởng sản xuất rau màu ở đội 8 xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cho biết: Trước đây gia đình ông và các hộ trong đội 8 sau khi thu hoạch lúa vụ mùa xong là bắt tay vào làm đất trồng rau màu các loại như cải bắp, su hào, cà chua, đậu đỗ, súp lơ; nhưng do giá cả rau mỗi năm rất bấp bênh, giá rau rẻ có thời điểm rau nhiều các loại rau như bắp cải, su hào chỉ bán với giá 1.500 đồng/1g, đậu đỗ 3.000-4.000 đồng/1 kg. Cùng với sâu bệnh hại nhiều, chi phí giống, phân bón cao nên cho thu nhập thấp. Từ khi có dự án “Xây dựng mô hình khoai tây trái vụ và sản xuất khoai tây thương phẩm tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên” do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN chuyển giao, gia đình ông và các hộ trong đội 8 được dự án hỗ trợ 100% về giống, 50% phân bón. Nhìn chung 2 giống khoai tây của dự án (Sinora và Diamant) đều phát triển rất tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, chất đất nên cho củ to, đều đẹp. Mỗi vụ gia đình ông trồng trên 3.000 m2 khoai tây, thu nhập về trên 50 triệu đồng/vụ. Không những cho thu nhập hơn các loại rau khác mà ông và các hộ trong đội sản xuất còn được các cán bộ của dự án tập huấn quy trình về sản xuất rau màu, đặc biệt là trồng khoai tây trái vụ, các kỹ thuật như làm đất, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật… cách chăm sóc làm sao cho năng suất đạt hiệu quả cao nhất.
Với thành công như vậy mô hình khoai tây trái vụ và sản xuất khoai tây thương phẩm tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân, tạo tiền đề cho việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; góp phần vào việc phát triển kinh tế địa phương. Thông qua mô hình còn nâng cao trình độ canh tác của người dân khi tiếp nhận các giống trồng trái vụ trong sản xuất nông nghiệp.
Nguyễn Văn An