Thứ tư, 12/08/2020 13:42

Những vấn đề lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm văn hóa

Sức mạnh mềm văn hóa là một nguồn lực được nhiều quốc gia quan tâm qua các chính sách chuyển hóa và phát triển nền công nghiệp này thành công cho tăng trưởng kinh tế như: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canađa… Tại Việt Nam, để phát huy nguồn lực quan trọng này, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số chủ trương, chính sách có liên quan. Nhận thấy cần bổ sung thêm về mặt lý luận và thực tiễn, từ đó đưa ra các luận điểm khoa học cho vấn đề này nhằm hoàn thiện các văn bản trong lĩnh vực văn hóa, đề tài cấp nhà nước: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam” do PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) chủ trì đã được triển khai thực hiện.

Sau gần 3 năm (2017-2020), đề tài đã tập trung nghiên cứu về các vấn đề lý luận, tìm hiểu phân tích chính sách của hàng chục quốc gia trên thế giới và khảo sát kinh nghiệm của một số quốc gia ở châu Á trong việc làm thế nào để phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa cho phát triển kinh tế. Đề tài cũng đã triển khai lấy ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học về vấn đề phát triển ngành công nghiệp này ở Việt Nam trên cơ sở nhận xét về thực trạng và nguyên nhân của bất cập hiện nay; xây dựng số liệu về các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam… Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất các chính sách có liên quan nhằm phát huy tối đa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo đó, đề tài đã đưa ra mô hình phát huy sức mạnh mềm văn hóa ở Việt Nam gồm các thành tố chính sau: nhân lực sản phẩm văn hóa; lễ hội và sự kiện; di sản thiên nhiên; di sản văn hóa; di sản văn hóa phi vật thể; không gian và nền tảng văn hóa; tổ chức văn hóa cộng đồng; danh nhân và giá trị văn hóa. Đồng thời, để sức mạnh mềm văn hóa dựa trên quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đảng và Nhà nước, phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhóm nghiên cứu đề tài cho rằng cần triển khai tốt các vấn đề như: bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ chủ quyền văn hóa; xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia; gia tăng sức hấp dẫn văn hóa; thu hút thế giới đến với Việt Nam; quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới; nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia của các ngành công nghiệp văn hóa; nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, vị thế quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ này là của nhiều ban, ngành có liên quan, trong đó vai trò chính là của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Đồng thời, Đề tài cũng kiến nghị một số vấn đề nhằm góp phần chuyển hóa hiệu quả các tài nguyên văn hóa hiện nay ở nước ta thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trong thời gian tới. Các biện pháp đó là: đổi mới mạnh mẽ cơ chế đầu tư tài chính; tăng cường cơ chế hợp tác công - tư nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đổi mới phương thức khai thác, tăng cường kết nối truyền thống - hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phân phối các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa.

Qua triển khai thực hiện, đề tài cũng đã đóng góp đào tạo 3 TS, 1 học viên cao học; xuất bản một chuyên khảo về những vấn đề lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm văn hóa. Với những kết quả đạt được, ngày 11/8/2020, Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia do GS.TS Phạm Văn Đức (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) làm chủ tịch đã nhất trí nghiệm thu đề tài với mức xuất sắc.

TH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)