Thứ hai, 15/06/2020 09:12

“Các rào cản tài chính, tiền tệ đối với sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp khắc phục”

Vừa qua, Chương trình KX.01/16-20 đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu đề tài KX.01.18/16-20 “Các rào cản tài chính, tiền tệ đối với sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp khắc phục” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân là cơ quan chủ trì, PGS.TS Tô Trung Thành làm chủ nhiệm.

Đề tài đã phân tích 3 nhóm rào cản gồm: rào cản tài chính tiền tệ cấp độ vĩ mô, thể chế; rào cản tài chính tiền tệ cấp độ vi mô bên ngoài doanh nghiệp; rào cản tài chính tiền tệ cấp độ vi mô bên trong doanh nghiệp. Các kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy ở góc độ vĩ mô, thể chế, có một số vấn đề nổi bật sau:

Thứ nhất, về rào cản từ thể chế tài chính, có thể thấy rằng cấu trúc của hệ thống tài chính tiền tệ thiên về dựa vào hệ thống ngân hàng, theo đó nhu cầu vốn của doanh nghiệp vượt khả năng cung cấp của hệ thống; hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý còn chưa hoàn thiện, còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng tài chính chưa phát triển.

Thứ hai, về rào cản từ các thị trường tài chính: quy mô cổ phiếu tăng tốc độ không cao, thị trường phát triển doanh nghiệp chưa hướng tới doanh nghiệp nhỏ và vừa, hệ thống nhà đầu tư đơn điệu, tính minh bạch chưa cao, chất lượng báo cáo tài chính thấp.

Thứ ba, về rào cản từ các trung gian tài chính: vẫn tồn tại sự phân biệt về chính sách ưu đãi tín dụng giữa ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài; các quy định về giới hạn và tín dụng và tỷ lệ an toàn vốn áp dụng đối với tài chính tín dụng khiến ngân hàng thương mại Việt Nam không thể đáp ứng hết nhu cầu vay vốn của khách hàng; các doanh nghiệp lớn dễ tiếp cận vốn của những ngân hàng có quy mô tài sản lớn, còn ngân hàng thương mại nhỏ lại tập trung vào khối doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Thứ tư, về rào cản từ quan hệ tài chính với tài chính Nhà nước: gánh nặng thuế của các doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối cao so với các nước trong khu vực, theo đó, có ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tiếp cận vốn và sự phát triển của doanh nghiệp.

Ở cấp độ vi mô, các rào cản bên ngoài tác động đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng và tiếp cận thị trường tài chính, các rào cản bên trong tác động nhiều tới khả năng tiếp cận tài chính phi chính thức.

PGS.TS Tô Trung Thành - Chủ nhiệm đề tài cho biết, vấn đề khắc phục các rào cản tài chính, tiền tệ trong giai đoạn tới cần quán triệt các quan điểm: một là, khắc phục các rào cản tài chính tiền tệ đối với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam phải được coi là nhân tố quan trọng và tạo ra một động lực mới cho sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp, từ đó có đóng góp quyết định đến tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế; hai là, khắc phục các rào cản tài chính tiền tệ phải hướng tập trung vào việc tháo dỡ các rào cản về mặt thể chế nhằm tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thân thiện cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động của các doanh nghiệp; ba là, khắc phục các rào cản tài chính tiền tệ cần đặt trong tổng thể các giải pháp chung về đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất cho nền kinh tế. Trên quan điểm đó, đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp liên quan đến hệ thống pháp lý và các quy định, nhóm giải pháp liên quan đến thị trường tài chính, các tổ chức tín dụng và nhóm giải pháp nâng cao năng lực của doanh nghiệp.

Các sản phẩm của đề tài đạt chất lượng tốt, vượt chỉ tiêu so với đăng ký trong thuyết minh với 4 học viên cao học đã bảo vệ thành công Luận văn thạc sỹ, 1 nghiên cứu sinh đã bảo vệ cấp cơ sở, 2 bài báo đăng tạp chí quốc tế, 4 bài báo đăng trên các Tạp chí trong nước, 12 bài viết đăng kỷ yếu hội thảo quốc gia, 2 bài viết đăng kỷ yếu hội thảo quốc tế, 1 sách chuyên khảo. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được chuyển giao cho Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và một số bộ, ngành có liên quan.

Hương Lan
 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)