Thứ ba, 21/04/2020 15:25

Ứng viên Giải thưởng Tạ Quang Bửu: Người truy tìm “kẻ giết người thầm lặng”

“Sự xuất hiện của phthalates trong không khí trong nhà tại một số tỉnh, thành phía Bắc của Việt Nam và những liên quan đến rủi ro phơi nhiễm của con người” là công trình do PGS.TS Trần Mạnh Trí (tác giả chính thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) được công bố trên tạp chí Science of the Total Environment, số 601-602 năm 2017 đã được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020. Kết quả quan trọng của nghiên cứu là đã lập dựng bản đồ phân bố phthalates trong không khí ở trong nhà và giúp giải thích nguồn gốc ô nhiễm phthalates; ước lượng mức độ rủi ro và liều lượng phơi nhiễm phthalates qua con đường hít thở không khí đối với các nhóm lứa tuổi người Việt Nam khác nhau... Các kết quả này là cơ sở hữu ích cho việc đánh giá rủi ro phơi nhiễm của chất độc hại này tại Việt Nam và dự báo tiềm năng, mức độ tác động đến sức khỏe con người và chất lượng môi trường không khí trong nhà của các chất phthalates trong tương lai.
Phthalates - “kẻ giết người thầm lặng”
Phthalates (diester của acid phthalic) là nhóm chất dẻo hóa được sử dụng làm phụ gia trong các vật liệu bằng nhựa, sản phẩm chăm sóc cá nhân và vật dụng gia đình với hàm lượng lên đến vài phần trăm về khối lượng. Chính bởi các hợp chất phthalates được sử dụng rất rộng rãi nên chúng đã phân bố vào hầu hết các môi trường khác nhau và đi vào chuỗi thức ăn. Độc tính của các hợp chất phthalates đã được nghiên cứu trên động vật trong phòng thí nghiệm, chúng được xác định là tác nhân gây rối loạn nội tiết, làm thay đổi hormone hệ sinh sản và hệ bài tiết trên động vật thí nghiệm như chuột và thỏ. Vì vậy, phthalates còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. 
Hiện nay, một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Canada và liên minh châu Âu đã ban hành các đạo luật nhằm hạn chế việc sử dụng phthalates, trong đó di(2-ethylhexyl)phthalate (DEHP) đã bị cấm sử dụng trong nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em có thành phần nhựa. Tại Việt Nam, đã có tiêu chuẩn về hạn chế hàm lượng của DEHP (thuộc nhóm phthalates) trong đồ uống do Bộ Y tế ban hành năm 2011. Tuy nhiên, những hiểu biết về sự phân bố trong môi trường và rủi ro phơi nhiễm phthalates đến nay vẫn còn rất hạn chế.
Chia sẻ về “kẻ giết người thầm lặng”, PGS.TS Trần Mạnh Trí cho biết: các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, các chất parabens, siloxanes, triclosan, benzophenone, đặc biệt là phthalates được dùng nhiều trong sản phẩm bằng nhựa và các sản phẩm chăm sóc cá nhân như: dầu gội đầu, son, phấn, thuốc nhuộm tóc, sản phẩm kem bôi da..., tới vài phần trăm về khối lượng. Bên cạnh đó, đồ chơi của trẻ em, các sản phẩm ca, cốc bằng nhựa… cũng có thể thôi ra các chất độc. Cùng với việc phát triển ngành công nghiệp mỹ phẩm và đồ nhựa, việc dùng những sản phẩm trên là không tránh được, chỉ hạn chế đến mức độ nào đó mà thôi vì các đồ nhựa nếu không có chất phthalates thì rất khó đóng khuôn. Phthalates cũng là phụ gia trong sản phẩm làm tóc nói riêng, mỹ phẩm nói chung, giúp cho dung dịch óng mượt hơn.
“Kẻ giết người thầm lặng” được dùng nhiều trong sản phẩm bằng nhựa và các sản phẩm chăm sóc cá nhân
Hướng nghiên cứu lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam
Rõ ràng, phthalates giúp ích rất nhiều cho ngành công nghiệp sản xuất đồ nhựa và mỹ phẩm khi đóng vai trò là chất phụ gia không thể thiếu. Độc tính của chúng đối với động vật được thí nghiệm đã khá rõ ràng, nhưng tác động từ các chất như phthalates đến con người như thế nào thì chúng ta đang cần tìm lời giải, cụ thể là cần những nghiên cứu đánh giá phơi nhiễm là bao nhiêu ở tất cả các con đường khác nhau (hít thở không khí chỉ là một con đường). 
Trong nghiên cứu của mình (“Occurrence of phthalate diesters in indoor air from several Northern cities in Vietnam, and its implication for human exposure”, tạm dịch: “Sự xuất hiện của phthalates trong không khí trong nhà tại một số tỉnh thành phía Bắc của Việt Nam và những liên quan đến rủi ro phơi nhiễm của con người” được công bố trên tạp chí Science of the Total Environment, số 601-602, trang 1695-1701, năm 2017), nhóm tác giả do PGS.TS Trần Mạnh Trí (tác giả chính thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã xây dựng phương pháp phân tích hiện đại (sắc ký khí ghép nối khối phổ phân giải cao GC-MS) kết hợp với kỹ thuật thu mẫu sử dụng bơm hút tốc độ thấp với ống polyurthane foam (PUF) (giữ chất trong pha hơi) và màng lọc thạch anh (giữ chất trong pha hạt) để xác định đồng thời mười chất phthalates điển hình trong không khí. Phương pháp chuẩn hóa sau đó được áp dụng để xác định mức độ ô nhiễm 10 phthalates trong 97 mẫu không khí trong nhà theo các vi môi trường tại một số tỉnh thành phía Bắc của Việt Nam. 
Kết quả quan trọng của nghiên cứu là đã lập dựng bản đồ phân bố phthalates trong không khí ở trong nhà và giúp giải thích nguồn gốc ô nhiễm phthalates. Từ số liệu nồng độ phthalates đo được trong cả hai pha (pha hơi và pha hạt) của mẫu không khí, nhóm tác giả đã tính toán các hằng số hóa - lý trong điều kiện môi trường thực của phthalates là hằng số phân bố lỏng - hơi (Kp) và hằng số phân bố octanol - khí (KOA). Nghiên cứu này cũng đã ước lượng mức độ rủi ro và liều lượng phơi nhiễm phthalates qua con đường hít thở không khí đối với các nhóm lứa tuổi người Việt Nam khác nhau. Các kết quả của nghiên cứu là cơ sở tốt cho việc đánh giá rủi ro phơi nhiễm của các chất này tại Việt Nam và dự báo tiềm năng, mức độ tác động đến sức khỏe con người và chất lượng môi trường không khí trong nhà của các chất phthalates trong tương lai. Đây là hướng nghiên cứu còn khá mới mẻ trên thế giới và công bố này lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam đã cung cấp thêm một phương pháp phân tích chính xác, kết quả khảo sát mức độ ô nhiễm và các giá trị tính toán các hằng số phân bố và ước lượng rủi ro phơi nhiễm đối với phthalates trong môi trường không khí trong nhà. 
PGS.TS Trần Mạnh Trí - Người truy tìm “kẻ giết người thầm lặng”
Theo PGS.TS Trần Mạnh Trí, nhiệm vụ của các nhà khoa học là tìm kiếm một chất khác hiệu quả hơn, thay thế cho phthalates trong công nghiệp mỹ phẩm và đồ nhựa. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi cần có thời gian. Chính vì vậy, để cấm chất A, chất B phải có rất nhiều nghiên cứu, không phải cứ độc là cấm. Sẽ có những quy chuẩn như chất này được phép dùng bao nhiêu, chất kia được tồn tại trong môi trường sống là bao nhiêu. Các tổ chức kiểm soát môi trường của các nước tiên tiến đang chờ và dựa vào những nghiên cứu như thế này để đánh giá, đưa ra các quy chuẩn.
Thông tin về ứng viên:
Họ và tên: Trần Mạnh Trí; chức danh, học vị: PGS.TS; đơn vị công tác: Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà nội; là tác giả chính của nghiên cứu (đề xuất ý tưởng, thiết kế thí nghiệm, viết bản thảo bài báo, liên hệ gửi đăng bài báo). PGS.TS. Trần Mạnh Trí là người tiên phong đề xuất ý tưởng nghiên cứu các hợp chất gây rối loạn nội tiết (“kẻ giết người thầm lặng”) nói chung, trong đó có nhóm phthalates trong không khí trong nhà tại Việt Nam. Toàn bộ nghiên cứu này được thiết kế và thực hiện tại Việt Nam. Trong 5 năm gần đây, PGS.TS Trần Mạnh Trí đã chủ nhiệm 2 đề tài cấp cơ sở và 2 đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ, 1 đề tài cấp Đại học Quốc gia (mã số: QG.19.17); công bố 17 bài báo thuộc danh mục SCI với chỉ số IF trên 3.0, nhiều bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước khác; xuất bản 2 chương sách bởi Nhà xuất bản Hội Hóa học Hoa kỳ.
Thông tin về tạp chí công bố công trình:
Tạp chí Science of the Total Environment (ISSN: 0048-9697) thuộc hệ thống SCI và được SCImago xếp vào danh mục Q1, chỉ số IF: 5,9, H-index: 205 và chỉ số xếp hạng tổng quát (overall ranking) 2151. Science of the Total Environment là tạp chí rất uy tín và được xếp vào nhóm đầu trong các lĩnh vực hóa học phân tích, khoa học môi trường và khoa học sự sống.
Vũ Hưng
 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)