Ngày 5/4, tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2017, ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin, đề án "Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 5/2016, cụm từ "Quốc gia khởi nghiệp" được nhắc nhiều thời gian qua. Tuy nhiên, đến nay nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng đắn về khởi nghiệp.
"Nhiều cá nhân nhầm lẫn giữa khởi nghiệp và lập nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới, nghĩa là phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở trong nước mà với tất cả công ty trên thế giới", ông Duy nhấn mạnh.
Ông Bùi Thế Duy chỉ ra những cách hiểu chưa đúng về khởi nghiệp. Ảnh: Thanh Tâm
Ở Việt Nam hiện nay, sinh viên khởi nghiệp đặc biệt được quan tâm, nhưng đó không phải nhân tố duy nhất. Dẫn chứng ở Israel độ tuổi khởi nghiệp trung bình là 40, ông Duy nói: "Hầu hết doanh nghiệp khởi nghiệp thành công ở đất nước này xuất phát từ những người từng là nhân viên công ty, có kinh nghiệm chứ không phải chủ yếu sinh viên mới ra trường".
Cũng theo ông Duy, quan trọng nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là cộng đồng, doanh nghiệp tư nhân và cá nhân. Nhà nước chỉ đóng vai trò dẫn dắt, làm hoạt động hỗ trợ đầu tiên, đặc biệt là trợ giúp đào tạo về năng lực.
Việc hỗ trợ đào tạo chia ra làm nhiều nhóm. Thứ nhất là hỗ trợ các trường đại học thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp để đào tạo sinh viên về marketing, quản trị doanh nghiệp, giới thiệu và phát triển sản phẩm, có năng lực nhất định trong khởi nghiệp. Thứ hai là hỗ trợ đào tạo các tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp, các nhóm đầu tư để họ có nhìn nhận, đánh giá, đưa ra hướng và tổ chức hoạt động đầu tư hợp lý để phát triển doanh nghiệp.
Ông Trần Xuân Đích nhận định số doanh nghiệp và nhà đầu tư cho khởi nghiệp sẽ tăng mạnh. Ảnh: Thanh Tâm
Ông Trần Xuân Đích, Cục phó Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, thông tin Bộ Khoa học đã triển khai nhiều nội dung của đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bộ đã xây dựng các thông tư quản lý, hướng dẫn thực hiện dự án và phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng văn bản liên quan đến cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư hay quỹ đầu tư mạo hiểm.
"Chúng tôi tăng cường tuyên truyền về dự án tới cộng đồng, tạo kết nối cho các nhà khởi nghiệp với nhà đầu tư, quỹ khởi nghiệp và tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu, kỳ thi về khởi nghiệp với mục đích phát triển hệ sinh thái bền vững trong tương lai", ông Đích nói.
Ông Đích cho biết thêm, với những gì đã triển khai, đề án đã có những kết quả bước đầu như số lượng doanh nghiệp, quỹ đầu tư đều tăng nhanh chóng. Ví dụ có 30 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đang đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Theo số liệu công bố tại Phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, trong quý I/2017, cả nước có thêm 26.478 doanh nghiệp thành lập mới, con số cao nhất trong 6 năm trở lại đây.
"Đó là kết quả của tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ mà Chính phủ đã phát động kể từ đầu năm 2016", ông Đích nói và nhận định con số này sẽ còn tăng trong những năm tới.
(VnExpress)
http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/bo-khoa-hoc-lap-nghiep-khong-dong-nghia-voi-khoi-nghiep-3566174.html