Thứ năm, 06/04/2017 04:04

Doanh nghiệp khởi nghiệp cần quan tâm đến sở hữu trí tuệ

Doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp cần quan tâm đến các vấn đề của sở hữu trí tuệ như bảo mật kinh doanh, bảo hộ tên thương mại cho DN, đặt tên thương hiệu cho sản phẩm hay kiểm tra nhãn hiệu trước khi ra thị trường.

Cùng với quá trình sáng tạo và phát triển, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong từng DN, viện, trường là rất quan trọng để tạo một môi trường thuận lợi cho việc vận dụng pháp luật sở hữu trí tuệ vào thực tiễn nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ và nhân rộng các thành quả sáng tạo vào cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay, nhiều DN vẫn còn mù mờ trong các vấn đề như bảo mật kinh doanh, bảo hộ tên thương mại cho DN, đặt tên thương hiệu cho sản phẩm hay kiểm tra nhãn hiệu trước khi ra thị trường.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN.

Trong vấn đề về sở hữu trí tuệ, theo ông hiện nay các DN khởi nghiệp đang gặp phải những khó khăn như thế nào?

Ông Phạm Đức Nghiệm: Bản thân DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, và có nhiều rủi ro. Bên cạnh thuận lợi, thì DN cũng gặp rất nhiều rủi ro, trong đó rủi ro về tranh chấp pháp lý, với các thương hiệu, bản quyền công nghệ, cũng như tranh chấp của các cá nhân đồng sáng lập ở trong DN là thường xuyên xảy ra. Vì vậy, khi hình thành đề án “hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) rất quan tâm đến việc sẽ giúp tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ cho DN khởi nghiệp. Một trong những vấn đề đặt ra là phải hoàn thiện khung pháp lý và hình thành được các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp để giúp cho các DN phát triển được các năng lực kinh doanh và năng lực về quản trị tài sản, trí tuệ của mình.

 CHIA SẺ  CHIA SẺDoanh nghiệp khởi nghiệp cần quan tâm đến sở hữu trí tuệ - ảnh 1
DN khởi nghiệp cần quan tâm đến các vấn đề của sở hữu trí tuệ. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, việc hình thành được cộng đồng khởi nghiệp cũng rất quan trọng. Trong thời gian qua, Bộ KH&CN cũng đang thúc đẩy kết nối thông qua cổng thông tin về khởi nghiệp quốc gia cũng như cơ sở dữ liệu về chuyên tư tư vấn chuyên nghiệp trong nước và quốc tế để cung cấp các dịch vụ tư vấn cũng như cung cấp nền tảng khởi nghiệp một cách thuận lợi nhất cho DN. Rõ ràng là khi bắt đầu khởi nghiệp thì có rất nhiều khó khăn đặc biệt khi thiếu nền tảng về mặt pháp lý cũng như các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp thì khó khăn sẽ nhiều hơn và DN rất khó để rút ngắn được quá trình mà hình thành các sản phẩm mới và phát triển được mô hình kinh doanh của mình ra thị trường,

Ngoài ra, bên cạnh các vấn đề về pháp lý thì chúng tôi cho rằng việc hình cộng đồng khởi nghiệp hoạt động theo một chuẩn mực, quy củ, theo các quy định quốc tế là rất quan trọng. Bên cạnh vai trò của nhà nước, thì vai trò của cộng đồng khởi nghiệp là rất quan trọng đối với hỗ trợ các DN khởi nghiệp, thực tiễn cho thấy rằng khi nào chúng ta hình thành được cộng đồng khởi nghiệp và cộng đồng đó cùng chung tay hỗ trợ cho các thành viên trong cộng đồng thì lúc đó chúng ta mới tạo được nền tảng bền vững cho khởi nghiệp. Bởi vì có rất nhiều hoạt động nhà nước không thể làm thay cho DN hay làm thay cho cộng đồng khởi nghiệp được và các DN muốn hoạt động được, kết nối thành một cộng đồng và trên cơ sở đó có các chế tài và quy định để họ tự hỗ trợ lẫn nhau cũng như là vận động cộng đồng một cách hiệu quả.

Trong thời gian tới, để các DN khởi nghiệp có thể phát triển được ngay, được nâng đỡ ngay ý tưởng của mình đồng thời xác lập được quyền sở hữu trí tuệ của DN trong tương lai để sản phẩm của họ bắt đầu có chỗ đứng thưa ông?

Ông Phạm Đức Nghiệm: Về nguyên tắc khi một sản phẩm trước khi đưa ra ngoài thị trường thì việc đầu tiên DN phải tiến hành các thủ tục về xác lập quyền sở hữu tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, cho các sản phẩm của DN và khi nào DN có đầy đủ khuôn khổ pháp lý thì mới tránh được các phiền lụy về tranh chấp, về nhãn hiệu, thương hiệu, bảo hộ các tranh chấp về thương hiệu và quyền tác giả. Chính vì lẽ đó chúng tôi khuyên các DN khởi nghiệp sau thời gian nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm cần xây dựng thương hiệu cho DN của mình. Khi tiến hành vào thị trường kinh doanh chính thức, DN cần hoàn thiện các thủ tục về xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, Bộ KH&CN có đơn vị thực hiện nhiệm vụ này là Cục Sở hữu trí tuệ và cùng với rất nhiều đơn vị xác lập quyền về SHTT sẽ trợ giúp cho quá trình xây dựng các hồ sơ xác lập, cũng như chứng nhận cho quyền bảo hộ quyền cho các sản phẩm sáng tạo của DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp. Đây là con đường duy nhất để đảm bảo cho DN kinh doanh bền vững và tránh được các tranh chấp trong khuôn khổ pháp lý cũng như đảm bảo cho tài sản trí tuệ được quản trị và phát triển bền vững về sau này.

Ở giai đoạn tiếp theo, chúng ta cần thành lập một cộng đồng khởi nghiệp hoặc một hiệp hội về SHTT. Vậy, hai đơn vị này, sẽ giúp nhau như thế nào để vừa bảo vệ được thương hiệu của mình, vừa nói lên tiếng nói để giúp cho các đồng nghiệp cũng như các nhà sáng tạo của mình phát triển một cách bền vững, thưa ông?

Ông Phạm Đức Nghiệm: Hiệp hội về sở hữu trí tuệ thì thực tiễn ở Việt Nam đã thành lập rồi và chúng ta đang có cộng đồng các chuyên gia, các nhà chuyên môn làm về lĩnh vực sở hữu trí tuệ gọi là hiệp hội sở hữu trí tuệ Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta đang muốn nói ở đây là Hiệp hội các DN sáng tạo là những người hoạt động DN trong lĩnh vực sáng tạo và họ kết nối thành cộng đồng, họ bảo vệ lẫn nhau trong quá trình hoạt động kinh doanh cũng như là họ khai thác đồng hành cùng với các chương trình, các chính sách của nhà nước để làm sao tạo được môi trường lành mạnh nhất thuận lợi nhất cho DN khởi nghiệp. Đây là câu chuyện trong thời gian tới và Bộ KH&CN cũng sẽ có kế hoạch để hình thành cộng đồng DN khởi nghiệp một cách bền vững cũng như là tạo môi trường pháp lý, môi trường hoạt động thuận lợi cho DN.

Có thể thấy các tranh chấp về SHTT, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay đang không ngừng gia tăng, không chỉ trong cộng đồng khởi nghiệp mà còn trong cả các DN lâu năm, bởi tầm quan trọng và giá trị lợi nhuận thu được từ các đối tượng SHTT ngày càng cao. Mỗi DN khởi nghiệp, bên cạnh việc xác định phương hướng chiến lược, mở rộng quy mô kinh doanh, còn cần phải đảm bảo các tài sản SHTT được bảo vệ xuyên suốt chiều dài phát triển của mình. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là DN có thể bảo vệ được công sức sáng tạo và gây dựng tài sản vô hình của DN.

Xin cảm ơn ông!

Minh Hà

http://vietq.vn/doanh-nghiep-khoi-nghiep-can-quan-tam-den-so-huu-tri-tue-d118663.html

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)