Nhân ngày SHTT thế giới (26/04) phóng viên Khám phá đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) về vai trò của SHTT với sinh viên và những người khởi nghiệp trẻ.
Hoạt động khởi nghiệp đang thu hút đông đảo các bạn sinh viên, những người trẻ mới ra trường. Những ý tưởng, giải pháp ứng dụng KH&CN giải quyết các vấn đề trong cuộc sống được đánh giá cao. Tuy nhiên, ông Lâm thẳng thắn rằng, vấn đề sở hữu trí tuệ lại ít được bạn trẻ chủ ý đến.
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Hà Thế An.
Khai thác tài nguyên SHTT sẽ rất tốt cho bạn trẻ khởi nghiệp
Thưa ông, đứng ở góc độ người quản lý nhà nước về SHTT, ông đánh giá thế nào về mức độ nhận thức của sinh viên và các bạn trẻ mới khởi nghiệp về vấn đề này?
Ông Lê Ngọc Lâm: Hiện chưa thể đánh giá theo con số chính xác về mức độ nhận thức SHTT của sinh viên và những bạn trẻ làm khởi nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, mức độ nhận thức của sinh viên về SHTT hiện nay chưa được cao.
Chỉ có một số trường ĐH nhà trường có quan tâm về SHTT đã đưa một số môn về SHTT, một số chủ đề về SHTT vào trong quá trình đào tạo. Nhưng để sinh viên nhận thức rõ ràng, chính xác và hiểu sâu về quyền SHTT, có thể khai thác và ứng dụng được những quyền đó, xa hơn nữa là có ý thức sáng tạo các tài sản trí tuệ để có quyền SHTT hoặc tôn trọng quyền của người khác lại chưa được đầu tư đúng mức.
Mong muốn của chúng tôi là làm sao có càng nhiều đối tượng hiểu về các quyền SHTT càng tốt. Hiện nay, quyền SHTT được nhận thức, phát triển mạnh nhất trong khối doanh nghiệp vì quyền SHTT tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đối với lực lượng sinh viên đang được đào tạo, các trường ĐH nên vào cuộc để truyền bá kiến thức SHTT cho sinh viên giúp nhận thức của XH được tăng lên. Khi sinh viên có nền tảng về SHTT, các bạn sẽ biết cách khai thác, tận dụng thế mạnh của quyền SHTT để hỗ trợ cho công việc của mình, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội.
Theo ông, việc khai thác tài nguyên của SHTT nên thực hiện như thế nào để mang lại hiệu quả thiết thực cho các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay?
Ông Lê Ngọc Lâm: Hiện nay phong trào khởi nghệp đang được cộng đồng xã hội khuyến khích mạnh mẽ. Người ta chỉ động viên những bạn trẻ, sinh viên hãy khởi nghiệp nhưng khởi nghiệp dựa vào đâu nhiều khi lại không nói nhiều đến.
Để khởi nghiệp thành công chắc chắn phải có ý tưởng mới. Song, nhiều bạn sinh viên khởi nghiệp chỉ làm những gì người khác đã làm. Kết quả mang lại không có. Khởi nghiệp chỉ dừng lại ở việc làm theo trong bối cảnh bạn trẻ thiếu nguồn lực, kinh nghiệm thì không thể cạnh tranh được, khả năng thành công không cao
Khởi nghiệp tốt hơn nhiều nếu bạn trẻ chú trọng đến khai thác SHTT. Vì đây là công cụ rất tích cực trong việc tạo ra những ý tưởng mới, áp dụng những ý tưởng không có ở Việt Nam bằng những ý tưởng ở nước ngoài, vốn không đăng ký ở nước ta hoặc đăng ký nhưng hết hiệu lực bảo hộ.
Đây là những ý tưởng, giải pháp mà chúng ta có thể nhanh chóng khai thác, tận dụng về khía cạnh KH&CN để ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, rút ngắn thời gian nghiên cứu. Tận dụng những gì nhân loại đã sáng tạo ra để áp dụng vào điều kiện thực tế Việt Nam. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng phải biết cách khai thác tài sản trí tuệ đúng cách để áp dụng một cách hiệu quả trong việc sáng tạo, phát triển sản phẩm của mình.
Với các tài sản trí tuệ được công bố, người khai thác phải biết ngoại ngữ để dễ dàng tiếp cận.
Các sinh viên, bạn trẻ khởi nghiệp cần chú trọng khai thác tài nguyên SHTT trên thế giới. Ảnh: Hà Thế An.
Đo lường tính thương mại hóa bằng bản đồ công nghệ
Các bạn trẻ khởi nghiệp có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp có tính mới nhưng để thương mại hóa ra thị trường cần phải mất một khoảng thời gian nữa. Theo ông thời điểm nào để đăng ký SHTT là phù hợp nhất?
Ông Lê Ngọc Lâm: Nếu có ý tưởng sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới và muốn giữ quyền đó thì các bạn trẻ phải đăng ký ngay dưới dạng sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc kiểu dáng công nghiệp. Sau đó, các bạn quảng bá ra thị trường rồi mới tiến hành việc thương mại hóa sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn trong thương mai hóa không phải thể hiện ở chỗ đăng ký hay không đăng ký mà chính là chất lượng của sự sáng tạo.
Những ý tưởng sáng tạo áp dụng vào sản phẩm nếu đem lại những công năng, tính năng sử dụng mới, hoàn toàn hữu ích cho người sử dụng thì hoàn toàn có khả năng thành công trên thị trường. Những ý tưởng sáng tạo áp dụng vào sản phẩm khiến cho sản phẩm có hình dáng đẹp, bắt mắt khiến người tiêu dùng lựa chọn, điều đó sẽ đem lại thành công cho chủ sở hữu.
Nhưng những ý tưởng sáng tạo chỉ dừng ở mức tạo ra sản phẩm mà sản phẩm đó lại không đủ sức cạnh tranh với những tính năng của những sản phẩm mạnh đã có trên thị trường thì việc thương mại hóa sản phẩm đó là cực kỳ khó khăn. Thị trường mới quyết định khả năng thương mại hóa sản phẩm đó.
Vậy có phương pháp hay công cụ gì để đo lường khả năng thương mại hóa của sản phẩm không thưa ông?
Ông Lê Ngọc Lâm: Khó có thể nói rằng có một công cụ cụ thể để đo lường khả năng thương mại hóa sản phẩm. Nhưng vẫn có những phương pháp để suy đoán sản phẩm đó có khả năng đem lại lợi nhuận cho chủ sở hữu hay không. Theo quan điểm của tôi, các bạn trẻ có thể sử dụng công cụ bản đồ công nghệ. Trên cơ sở đó, tác giả có thể hình dung được sáng tạo của mình ở mức nào.
Sáng tạo của họ phải được đánh giá trên nền sáng tạo của những sản phẩm cùng loại ở khắp nơi trên thế giới. Với những sản phẩm cùng loại thì các nhà sản xuất trên thế giới đang đi như thế nào, hướng sáng tạo đó có phù hợp, có khả năng cạnh tranh với hướng sáng tạo của tác giả đang phát triển hay không. Trên cơ sở này, tác giả có thể đánh giá sản phẩm có khả năng cạnh tranh vượt trội hay không. Xu thế phát triển công nghệ cho sản phẩm đó có phù hợp với xu thế hiện nay của các nhà sản xuất đang ứng dụng hay không.
Người ta có thể tạo ra hướng phát triển công nghệ hoàn toàn mới không ở đâu có và như vậy họ có thể tạo ra công nghệ đó. Nhưng công nghệ đó có phù hợp với thực tế, có được các nhà sản xuất áp dụng hay không, có được người tiêu dùng thích thú khi sử dụng sản phẩm công nghệ đó hay không? Vấn đề đó sẽ quyết định đến khả năng thương mại hóa ý tưởng, sản phẩm.
Cần lồng ghép kiến thức SHTT qua các cuộc thi khởi nghiệp
Em Trần Minh Sang, sinh viên khoa công nghệ thông tin, ĐH khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ, hiện nay các cuộc thi về khởi nghiệp rất thu hút các bạn sinh viên tham gia. Tại TP.HCM hằng năm có hàng chục cuộc thi về khởi nghiệp dành cho giới sinh viên.
“Các cuộc thi với tính chất giao lưu, học hỏi, kết nối để phát triển ý tưởng sáng tạo là động lực để chúng em tham gia. Em nghĩ rằng, nên tổ chức lồng ghép chuyển tải những kiến thức SHTT tại các cuộc thi này thì sinh viên sẽ dễ dàng tiếp cận hơn”- Sang nói. |
Hà Thế An
http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khoi-nghiep-se-tot-hon-neu-biet-khai-thac-cong-cu-ve-so-huu-tri-tue-c7a520056.html