Tham dự, có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý, đại diện T.W Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và CLB Doanh nhân Sáng tạo, cùng gần 2.000 người, bao gồm cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, cộng đồng IP, các nhà quản trị, doanh nhân, chuyên gia đổi mới sáng tạo và đông đảo sinh viên.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh phát biểu tại buổi lễ
Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP. Hà Nội, T.W Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Cục Sở hữu trí tuệ và Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và CLB Doanh nhân Sáng tạo tổ chức.
Mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ của cộng đồng, xã hội. Đồng thời tạo động lực cho sự sáng tạo của các cá nhân và tổ chức, khơi dậy tiềm năng chất xám trong xã hội. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, xa hơn là sự hình thành và phát triển của nền công nghiệp, nền kinh tế sáng tạo cho Việt Nam.
Đổi mới sáng tạo và tài sản trí tuệ được xem là động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 59/128 quốc gia và nền kinh tế trong Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ khoảng 20-30% số doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo. Việt Nam chỉ đạt thứ hạng cao ở chỉ số “Hấp thụ tri thức”, “Dòng vốn đầu tư nước ngoài” cũng như “Lan truyền tri thức”… nhưng vẫn còn yếu ở nhóm chỉ số về “môi trường kinh doanh”, “xếp hạng các đại học”, “việc làm thâm dụng tri thức”, “đăng ký sáng chế quốc tế PCT”... Điều đó cho thấy, Việt Nam cần nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực để phấn đấu đạt mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4…
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho biết, chủ đề của Ngày sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là “Đổi mới sáng tạo - cải thiện cuộc sống” - một thông điệp hết sức quan trọng của WIPO gửi đến mọi người trên toàn thế giới. Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ có những chính sách và hành động thiết thực để khuyến khích đổi mới sáng tạo. Cụ thể, đã ban hành các cơ chế chính sách đầy đủ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, giúp các cá nhân, tổ chức, trong đó có các nhà đổi mới sáng tạo, cộng đồng khởi nghiệp có được cơ sở pháp lý vững chắc, bảo vệ các thành quả lao động sáng tạo của mình trong nước cũng như ở nước ngoài.
Để sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo phát huy sức mạnh phục vụ cuộc sống, cần phải có sự chung tay của cộng đồng, mỗi cá nhân cần trở thành “IP MAN” có nhiều ý tưởng, tràn đầy năng lực, chung tay đưa sở hữu trí tuệ trở thành một văn hóa, một thói quen trong xã hội, góp phần nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia trên trường quốc tế.
PV
http://thuonghieucongluan.com.vn/chap-canh-sang-tao-a37122.html