Thứ tư, 17/01/2018 06:54

Đổi mới cơ chế hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ

Để nhận được hỗ trợ tài chính, các dự án nghiên cứu về khoa học và công nghệ (KH và CN) trải qua quy trình xét duyệt, kiểm soát về tài chính phức tạp. Bộ KH và CN đã thành lập một số quỹ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, kỳ vọng tạo sự thông thoáng trong hoạt động nghiên cứu khoa học để các nghiên cứu sớm được ứng dụng. Tuy nhiên, thực tế triển khai đang gặp nhiều vướng mắc.

alt

Kỹ sư Trung tâm nghiên cứu và phát triển chiếu sáng nghiên cứu phát triển đèn LED. Ảnh: KHÁNH AN

Hầu hết nghiên cứu trong lĩnh vực KH và CN hiện nay đều sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước (NSNN). Khó khăn mà các dự án thường gặp là khó tiếp cận nguồn tiền, thủ tục thanh quyết toán rườm rà. Nguồn kinh phí từ NSNN được phân bổ dàn trải, chia nhỏ cho các nghiên cứu khoa học, do đó, nhiều trường hợp không đủ để thực hiện đề tài. Một số lĩnh vực đang phát triển nhanh, cần có sự đầu tư gấp để mua các thiết bị phục vụ nghiên cứu, nhưng vì thời gian làm thủ tục kéo dài, lúc nhận được thiết bị thì công nghệ đó đã lạc hậu so với thế giới.
Những bất cập này ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu, mất nhiều thời gian của các nhà khoa học. Để giải quyết tình trạng nêu trên, Bộ KH và CN đã thành lập một số quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo cơ chế thuận lợi cho các nhà khoa học, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Chẳng hạn, Quỹ phát triển KH và CN quốc gia (Nafosted) đã có nhiều hoạt động thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) được thành lập để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ… Gần đây, có thêm dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH và CN” (FIRST) do Ngân hàng Thế giới tài trợ…
Các quỹ sau khi được thành lập đã triển khai hoạt động tuyên truyền. Cơ chế vận hành của quỹ có những ưu thế so với phương thức cấp phát kinh phí lâu nay, nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Theo đại diện dự án FIRST, bất cập lớn nhất là việc xét duyệt kinh phí đề tài, kiểm soát chi ly từng thiết bị, hóa chất, nguyên vật liệu… từ lúc được duyệt cho đến lúc thực hiện phải chính xác tuyệt đối, không được thay đổi so với nội dung duyệt ban đầu. Như dự án sản xuất đèn LED phục vụ nông nghiệp, thủy sản của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đã mất rất nhiều thời gian để giải trình về tỷ lệ nội địa hóa, thử nghiệm, thông số kỹ thuật…, trong khi lẽ ra chỉ cần đơn vị sản xuất cam kết sản phẩm của dự án phải đáp ứng yêu cầu thị trường, phù hợp với người dùng và điều kiện của Việt Nam.
Giám đốc NATIF Nguyễn Đình Bình cho biết, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục, hồ sơ để đăng ký tham gia dự án. Sau khi quỹ cho vay từ 30% đến 50% tổng số vốn, doanh nghiệp rất khó tìm vốn đối ứng. Trong khi đó, chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn của quỹ chưa thể triển khai do ràng buộc bởi các văn bản pháp luật liên quan đến việc sử dụng ngân sách. Sau khi đề tài, dự án kết thúc, kết quả nghiên cứu và các thiết bị được mua sắm được coi là tài sản công, doanh nghiệp không được chuyển nhượng… Nếu dự án được vay vốn có sử dụng NSNN nhưng vốn bị thất thoát, không thu hồi được thì theo quy định, người quản lý quỹ sẽ phải chịu trách nhiệm khiến quá trình xét duyệt kinh phí thực hiện nghiên cứu KH và CN trở nên “chặt” hơn.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH và CN) Trần Đắc Hiến cho rằng, về bản chất, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu triển khai là một dạng đầu tư mạo hiểm. Luật Ngân sách Nhà nước không cho phép đầu tư mạo hiểm. Với hành lang pháp lý hiện nay, ban quản lý của những quỹ sử dụng tiền từ NSNN khó đầu tư, cho vay, bảo lãnh cho vay mà chỉ có thể tài trợ. Tuy nhiên, nếu muốn “bảo toàn vốn”, các quỹ tài trợ chỉ có thể hướng tới những đề tài, dự án nghiên cứu an toàn, ít tính đột phá.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong quy trình xét duyệt và kiểm soát tài chính cho nghiên cứu khoa học, nhưng những hỗ trợ từ các quỹ, dự án hết sức cần thiết đối với các tổ chức KH và CN công lập, cá nhân, doanh nghiệp. Để phát huy hiệu quả, cần có quy chế hoạt động quỹ rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi cao, có bộ máy đủ mạnh về năng lực, trình độ hoạt động tài chính và hiểu rõ đặc trưng của hoạt động KH và CN. Các đơn vị thụ hưởng cần chuẩn bị tốt năng lực tài chính, trình độ nhận thức, đổi mới và quản trị công nghệ để có đủ khả năng tiếp cận nguồn hỗ trợ từ quỹ.
NHẬT MINH
http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/item/35263702-doi-moi-co-che-ho-tro-nghien-cuu-khoa-hoc-va-cong-nghe.html

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)