Hội thảo đầu bờ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN tại HTX Nông nghiệp xanh 26-3.
Sơn La là tỉnh miền núi trình độ về khoa học và công nghệ thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước; khả năng nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, đời sống còn nhiều hạn chế; việc huy động các nguồn lực xã hội vào lĩnh vực khoa học và công nghệ nông nghiệp, nông thôn chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức. Mặt khác, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ nên việc trở thành doanh nghiệp KH&CN rất khó khăn.
Để hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả đối với các doanh nghiệp KH&CN, Đề án phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn đến năm 2020 đang được triển khai, phấn đấu có 25 doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Huy động các nguồn lực xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp KH&CN triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển trở thành doanh nghiệp KH&CN bằng những cơ chế, chính sách ưu đãi.
Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung là doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của tỉnh Sơn La được công nhận năm 2013 với các sản phẩm chính là ngô giống. Hiện, sản phẩm ngô giống của Công ty không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Đến nay, Công ty đã xuất khẩu 784 tấn ngô giống sang các tỉnh Bắc Lào, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên giá thành ngô giống của Công ty bán ra thấp hơn thị trường. Kinh nghiệm trở thành doanh nghiệp KHCN, theo lãnh đạo Công ty, trước hết là yếu tố nguồn nhân lực, từ đó mới xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp. Ông Lộc Mậu Triển, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung cho biết: Việc trở thành doanh nghiệp KH&CN nhận được rất nhiều ưu đãi, chính sách của Nhà nước, như: Miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; diện tích đất mà sử dụng được sử dụng vào mục đích KH&CN được miễn tiền thuê đất, từ khi trở thành doanh nghiệp KH&CN sản xuất của Công ty phát triển, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Hiện, Công ty đang phối hợp với Viện Khoa học Vật liệu phối hợp và Viện Nghiên cứu Ngô triển khai áp dụng thử nghiệm công nghệ nano kim loại đồng, sắt và coban trong quá trình xử lý hạt giống ngô. Đây là công nghệ mới được ứng dụng trong việc xử lý hạt giống trước khi đưa ra trồng, nhằm kích thích nảy mầm, phát triển rễ, thân lá và tăng khả năng sinh trưởng, tăng năng suất cây trồng.
HTX Dịch vụ nông nghiệp xanh 26/3, phường Chiềng Sinh (Thành phố) được thành lập tháng 4/2016, chủ yếu sản xuất rau củ quả, an toàn, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương hỗ trợ HTX Dịch vụ nông nghiệp xanh 26/3 các quy trình kỹ thuật, phát triển giống cây con cho hiệu quả kinh tế, có sức cạnh tranh trên thị trường. Trao đổi với chị Phạm Diệu Vân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xanh 26/3, được biết: Năm 2016, sản lượng rau, củ quả của HTX đạt 120 tấn, đạt doanh thu bình quân 1,2 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ của tỉnh, HTX đang trong quá trình phát triển thành doanh nghiệp KH&CN, khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX là nguồn vốn và kỹ thuật để mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, nghiên cứu đưa các loại giống cây có giá trị cao vào sản xuất.
Với xu thế hội nhập và phát triển, nhất là công nghệ 4.0, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... Đề án phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là rất cần thiết để hỗ trợ giúp các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp KH&CN. Tuy nhiên, ngoài chính sách ưu đãi, các doanh nghiệp phải thật sự chuyển biến trong nhận thức về phát triển KH&CN, phải xác định việc đầu tư cho KH&CN là nền tảng để tồn tại và phát triển trong điều kiện hội nhập.
Duy Tùng
http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/day-manh-phat-trien-cac-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-11634