Còn nhiều khó khăn
Thành phố còn nhiều khó khăn trong việc phát triển DN KH&CN, đầu tiên phải kể đến là công tác thẩm định hồ sơ đăng ký chứng nhận DN KH&CN. Theo đó, đối tượng thành lập DN KH&CN hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KH&CN được sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp thuộc các lĩnh vực gồm: công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ sinh học; tự động hóa; vật liệu mới; bảo vệ môi trường; năng lượng mới; vũ trụ và một số công nghệ khác do Bộ KH&CN quy định. Việc xác định đối tượng thành lập DN KH&CN thuộc lĩnh vực nào gặp khó khăn vì chưa có văn bản nào hướng dẫn, giải thích cụ thể về các lĩnh vực nêu trên, đặc biệt một số lĩnh vực rộng như: công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ bảo vệ môi trường. Việc DN chứng minh sở hữu hoặc sử dụng kết quả KH&CN gặp thuận lợi nếu kết quả KH&CN là các văn bằng bảo hộ tài sản trí tuệ (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, chương trình máy tính) đã được cấp hoặc là kết quả của các chương trình, đề tài, dự án KH&CN do Nhà nước đầu tư với quy trình thực hiện cụ thể, đầy đủ giấy tờ lưu chứng. Nhưng nó là thách thức, khó khăn nếu kết quả KH&CN do chính DN tự đầu tư bằng nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị và kinh phí) của mình khi trình tự và hồ sơ nghiên cứu không thực hiện đầy đủ.
Việc chứng nhận DN KH&CN gắn liền với việc xác nhận danh mục sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN. Việc làm này là cơ sở để xem xét ưu đãi về thuế thu nhập DN khi tỷ lệ doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN trên tổng doanh thu của DN đáp ứng điều kiện quy định. Tuy nhiên, kết quả KH&CN thông thường chỉ giải quyết vấn đề cho một phần của sản phẩm thương mại, không giải quyết trọn vẹn cho một sản phẩm. Ví dụ, dây chuyền sản xuất gạch không nung là một sản phẩm của công ty X, dây chuyền bao gồm: thiết bị, máy móc công đoạn nạp liệu, công đoạn trộn; máy ép; thiết bị, máy móc công đoạn thành phẩm.
Trong 7 chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho DN KH&CN, một số chính sách chưa được cụ thể hóa trong quá trình thực hiện như chính sách được ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm; hưởng ưu đãi về giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; ưu đãi vay vốn tín dụng đầu tư. Việc chưa cụ thể hóa trong quá trình thực hiện làm cho DN chưa thật sự chú ý đến việc đăng ký chứng nhận DN KH&CN. Ngay cả chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN cho DN KH&CN là một trong những chính sách hấp dẫn và cụ thể nhất, các điều kiện được hưởng ưu đãi đã được xác định cụ thể tại một số các thông tư liên tịch. Tuy nhiên, các ngành chưa thống nhất, đặc biệt là ngành thuế, nên việc hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN cho DN KH&CN gặp nhiều khó khăn. Việc chậm trễ này đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình triển khai các hoạt động phát triển DN KH&CN trên địa bàn TP.HCM.
Đối với các DN KH&CN mới thành lập thì nhu cầu nguồn vốn rất cao, nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn hiện nay là một thách thức đối với các DN, khi các nguồn vốn dành cho phát triển KH&CN đang tạm ngưng hoặc cần thời gian dài để thực hiện thủ tục, trong khi đó nguồn vốn từ ngân hàng thì đòi hỏi phải có tài sản thế chấp. Ngoài ra, mặt bằng và cơ sở hạ tầng để triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh của DN còn là những khó khăn đi kèm.
Cần giải pháp thúc đẩy
Thời gian qua, Sở KH&CN TP.HCM đã tư vấn, hỗ trợ DN triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu theo đúng trình tự, biểu mẫu quản lý đề tài, dự án của Nhà nước nhằm đạt được kết quả nghiên cứu tốt, có hồ sơ lưu chứng rõ ràng. Mặt khác, sở cũng đã giúp DN tìm kiếm và kết nối các chuyên gia thực hiện nghiên cứu hay tư vấn, hỗ trợ thành lập hội đồng khoa học để đánh giá các kết quả đạt được trong đề tài, dự án nghiên cứu của công ty. Từ năm 2008 đến nay, hàng năm Sở KH&CN phối hợp với Viện sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức các lớp quản trị viên tài sản trí tuệ cho đối tượng là lãnh đạo các DN, trong đó có các DN KH&CN tham gia. Thông qua nội dung lớp học, các DN hiểu rõ việc xác lập quyền, khai thác và bảo vệ các tài sản trí tuệ của DN. Sở KH&CN đã hỗ trợ và đồng hành cùng 114 DN trong triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ qua việc hỗ trợ kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu theo cơ chế đồng đầu tư; hoàn thiện và chuyển giao các kết quả nghiên cứu tốt để DN áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với nguồn kinh phí được hưởng ưu đãi, DN cũng cần đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đồng thời có kế hoạch gắn kết, hợp tác và huy động các nguồn tài chính của Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu KH&CN.
Sử dụng nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hiện có của DN làm nòng cốt trên cơ sở liên kết, hợp tác với trường, viện, trung tâm để triển khai các đề tài, dự án. Đẩy mạnh hoạt động của các vườm ươm DN thông qua việc hỗ trợ tư vấn kỹ thuật các hoạt động tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, tìm kiếm thông tin các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển sản phẩm để DN có thể tiếp cận, tham gia. Vườn ươm DN gắn kết với đơn vị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp triển khai hoạt động hỗ trợ cho thuê nhà xưởng với giá ưu đãi để hỗ trợ các dự án, DN KH&CN có nhu cầu cấp thiết nhưng gặp khó khăn.
TUYẾT MAI (Khoahocphothong)
http://www.khoahocphothong.com.vn/can-day-manh-cac-giai-phap-phat-trien-doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe-42760.html