Thứ sáu, 06/09/2019 04:21
Ứng dụng giải pháp xanh trong phòng, chống sụt trượt bờ dốc
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Mạnh (Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật, Trường Đại học Giao thông Vận Tải), thời gian gần đây, tại một số tuyến đường cao tốc như Nội Bài - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Đà Nẵng - Quãng Ngãi, đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan), Hạ Long - Vân Đồn, Bắc Giang - Lạng Sơn… thường xuyên xuất hiện các hiện sụt trượt bờ dốc. Vấn đề này không chỉ xảy ra trong quá trình thi công đường mà còn xảy ra sau khi vừa hoàn hay mới chỉ đưa vào khai thác. Để khắc phục tình trạng trên, nhiều giải pháp công trình và phi công trình đã được triển khai như thay đổi độ dốc bằng cách chia nhiều cơ, đào ngả mái; sử dụng các kết cấu chống đỡ bằng tường rọ đá, tường chắn, cọc thép hoặc bê tông cốt thép; che phủ bề mặt, trồng cỏ bảo vệ bờ dốc…
Tại Hội thảo Ứng dụng giải pháp xanh trong phòng, chống sụt trượt bờ dốc do Trường Đại học Giao thông Vận tải phối hợp với Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng ATV Việt Nam và Công ty Cổ phần sản xuất đầu tư xây dựng Hưng Việt tổ chức tại Hà Nội ngày 6/9/2019, các đại biểu đã tập trung đưa ra các giải pháp xanh trong phòng, chống sụt trượt bờ dốc.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng ATV Việt Nam Trần Thanh Việt cho biết, công nghệ phun hỗn hợp đất với hạt cỏ để phủ xanh bờ mái dốc rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đây là giải pháp không chỉ sử dụng khi bờ dốc có cấu tạo là các lớp đất mà còn có thể áp dụng khi bờ dốc là đá phong hóa, đất đá xen kẹp, đất đá lẫn nhiều sỏi sạn…
Bên cạnh đó, việc ổn định bờ dốc bằng giải pháp tường chắn đất có cốt và mái nghiêng ô địa kỹ thuật kết hợp phủ xanh bề mặt bằng thảm thực vật của các chuyên gia đến từ Công ty Cổ phần sản xuất đầu tư xây dựng Hưng Việt cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Theo đó, ưu điểm của tường chắn đất có cốt chính là dễ thi công, chi phí xử lý thấp, khối lượng hao hụt ít.
Phong Vũ