Thứ ba, 15/07/2025 17:00

Học viện Chiến lược Khoa học và Công nghệ cần trở thành lực lượng chủ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ

Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ Học viện Chiến lược Khoa học và Công nghệ (KH&CN) lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, diễn ra ngày 14/07/2025, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, Học viện cần trở thành lực lượng chủ lực, đóng vai trò “xương sống” của Bộ, góp phần triển khai Nghị quyết 57 về đột phá phát triển KH,CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) của đất nước.

Clip Đại hội Đảng bộ Học viện Chiến lược Khoa học và Công nghệ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030

Đảng bộ Học viện là đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy Bộ KH&CN, được thành lập ngày 01/07/2025 (Quyết định số 133-QĐ/ĐU của Đảng ủy Bộ KH&CN), trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Chi bộ Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Chi bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hội nhập KH&CN quốc tế; Chi bộ Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Thông tin và Truyền thông; Chi bộ Tạp chí Thông tin và Truyền thông; Chi bộ Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông.

Đảng bộ Học viện có 147 đảng viên và 8 chi bộ trực thuộc. Trong đó, có 142 đảng viên chính thức và 5 đảng viên dự bị.

Toàn cảnh Đại hội.

Những thành tựu đáng ghi nhận

Phát biểu tại Đại Hội, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Phạm Đình  Nguyên nhấn mạnh, Đại hội Đảng bộ Học viện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dịp để tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong nhiệm kỳ vừa qua; kiểm điểm vai trò lãnh đạo của Đảng ủy; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể cho nhiệm kỳ 2025-2030.

Đại hội đã lắng nghe báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý đối với Dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và Dự thảo văn kiện của Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ.

TS Phạm Đình Nguyên - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Đại hội.

Đảng bộ Học viện là đảng bộ mới thành lập, nhưng các chi bộ, đảng bộ tiền thân trong nhiệm kỳ qua đã có nhiều nỗ lực, cùng với tập thể lãnh đạo hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Đảng trong quá trình tổ chức thực hiện.

Trong thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn, tập thể cán bộ, đảng viên, viên chức Học viện đã nỗ lực, đoàn kết, chủ động và sáng tạo trong công tác, góp phần quan trọng vào việc ổn định tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn, xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Phạm Đình Nguyên cho biết, những kết quả đáng khích lệ mà đơn vị đã đạt được là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo sát sao của Đảng ủy Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các phòng ban, tổ chức đoàn thể và tinh thần trách nhiệm cao của mỗi đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Nhờ đó, Đảng ủy Học viện đã từng bước thực hiện hiệu quả việc kiện toàn tổ chức, sắp xếp nhân sự và ổn định hoạt động của đơn vị.

Trong giai đoạn trước khi hợp nhất, các đơn vị tuy có chức năng, nhiệm vụ riêng biệt nhưng đều thể hiện rõ nét sự thống nhất trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước:

Về chuyên môn: Các đơn vị đã tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Điển hình như Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam luôn thực hiện tốt các kế hoạch công tác, không ngừng nâng cao chất lượng, áp dụng quy trình chuẩn quốc tế và các phần mềm tiên tiến trong công tác xuất bản. Năm 2025, Tạp chí đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính điểm mới/nâng điểm tại 10 hội đồng ngành/liên ngành. Cụ thể, Tạp chí bản B (đăng tải các bài báo khoa học bằng tiếng Việt) hiện được tính điểm ở 26/28 hội đồng (chỉ trừ 2 hội đồng đặc thù là Quốc phòng và An ninh); Tạp chí bản C (Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering - VJSTE, đăng tải bài báo khoa học bằng tiếng Anh trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và kỹ thuật) được tính điểm ở 16/17 hội đồng; Tạp chí bản D (VMOST Journal of Social Sciences and Humanities - VMOST JOSSH, đăng tải các bài báo khoa học bằng tiếng Anh trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn) được tính điểm ở 8/9 hội đồng. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Chuyên san "Các công trình Nghiên cứu, Phát triển và Ứng dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông" được tính đến 0,75 điểm; bản tiếng Anh của chuyên san được tính đến 1 điểm. Với những kết quả tích cực này, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục khẳng định uy tín, vị thế dẫn đầu quốc gia trong công bố các công trình khoa học ở nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, các trang tạp chí điện tử luôn phản ánh kịp thời hoạt động quản lý, chỉ đạo của Bộ và chính sách liên quan, lan tỏa nhanh các sự kiện của ngành…

Công tác chính trị tư tưởng: Các chi bộ trực thuộc đã nghiêm túc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước. Toàn thể cán bộ, đảng viên đều giữ vững lập trường chính trị, kiên định với đường lối của Đảng, tích cực đấu tranh phòng chống các biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Công tác dân vận được triển khai đồng bộ, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng với quần chúng, đảm bảo sự đồng thuận cao trong nội bộ. Các phong trào thi đua do Bộ KH&CN và Đảng ủy Khối phát động luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các đơn vị.

Về công tác tổ chức cán bộ: Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo được tiến hành bài bản, đúng quy trình, đảm bảo tính kế thừa và phát triển; chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ thông qua các khóa đào tạo trong nước và quốc tế. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên nhằm đảm bảo sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức. Các đơn vị chủ động rà soát, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác xây dựng Đảng: Công tác phát triển Đảng được đẩy mạnh với nhiều quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng, góp phần trẻ hóa đội ngũ đảng viên. Sự phối hợp giữa chi bộ và chính quyền luôn được thực hiện chặt chẽ, tạo nên sự thống nhất trong lãnh đạo, điều hành. Các nghị quyết, chủ trương của Đảng luôn được cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động thiết thực, phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị.

Các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên luôn phát huy tốt vai trò. Công đoàn các đơn vị thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, thăm hỏi động viên kịp thời.

Hướng tới tương lai: Mục tiêu và kỳ vọng

Trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (S.T.I.D), Đảng bộ Học viện xác định rõ vai trò then chốt của mình trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược. Trên cơ sở bám sát nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ đặt ra phương hướng trọng tâm là tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật Đảng, đồng thời mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh đoàn kết nội bộ.

TS Nguyễn Thị Hương Giang - Phó Giám đốc Học viện, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam báo cáo tại Đại hội.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Đảng bộ Học viện sẽ tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể:

i) Phấn đấu 100% đảng viên tham gia học tập, quán triệt các văn kiện, đường lối của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương và Đảng uỷ cấp trên. Bồi dưỡng, kết nạp ít nhất 10-15 đảng viên mới, đảm bảo chất lượng theo quy định của Điều lệ Đảng.

ii) Phân loại tổ chức đảng và đảng viên hằng năm, phấn đấu 100% tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, 20% tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 100% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó 20% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

iii) Đảng bộ Học viện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các năm;

iv) Phấn đấu trong nhiệm kỳ 100% các tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát theo quy định.

v) Nâng cao hiệu quả công tác chính trị tư tưởng, củng cố khối đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng Bộ, đảm bảo 100% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ; 100% chi bộ trực thuộc hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có ít nhất 20% chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; phấn đấu được công nhận là “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu”; bồi dưỡng, kết nạp 5-10 đảng viên mới.

vi) Chỉ đạo Học viện Chiến lược KH&CN: Chủ động phê duyệt các nhiệm vụ nghiên cứu; 30% ngân sách nghiên cứu đến từ hợp tác, dịch vụ và tư vấn; thành lập quỹ phát triển KH&CN của Học viện; thiết lập 1 bộ tiêu chuẩn quốc gia về khung chuẩn phân tích chính sách KH,CN&ĐMST; xây dựng các mô hình dự báo công nghệ đối với 3 lĩnh vực AI, công nghệ xanh và y-sinh;  tham gia tư vấn trực tiếp ít nhất 5 chính sách quốc gia; xây dựng 5 cơ sở dữ liệu về đầu tư KH&CN, doanh nghiệp ĐMST, 1 hệ thống báo cáo trực tuyến; cung cấp dịch vụ dữ liệu chiến lược KH,CN&ĐMST cho 20 tổ chức cấp chiến lược; mở chương trình đào tạo thạc sỹ Chiến lược và chính sách KH,CN&ĐMST 1 khóa/năm (bắt đầu từ 2026); mỗi năm đào tạo/bồi dưỡng 200 cán bộ chiến lược KH,CN&ĐMST cấp bộ, tỉnh (trong đó 5-10% là học viên quốc tế); ký kết Biên bản ghi nhớ với 3 tổ chức quốc tế; tham gia/chủ trì 2 hội nghị quốc tế/năm, ít nhất 1 báo cáo/năm tại Diễn đàn chính sách KH&CN của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Xây dựng Học viện trở thành đơn vị chủ lực của Bộ

Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Ủy viên BTV Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy trao Quyết định chỉ định tham gia BCH Đảng bộ Học viện nhiệm kỳ 2025-2030.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chúc mừng các đồng chí vừa được Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ KH&CN chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện. Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định, Học viện là tổ chức mới, có tính đa dạng trực thuộc Bộ KH&CN, Đại hội lần này đánh dấu bước khởi đầu đầy ý nghĩa, đặt trên vai Đảng bộ Học viện trách nhiệm lớn trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Trong bối cảnh mới với hàng loạt tác động cả khách quan lẫn chủ quan - từ chuyển đổi số, sự bùng nổ Internet, AI (như ChatGPT) cho tới việc nguồn lực cho nghiên cứu chính sách còn hạn chế - công tác định hướng chiến lược, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực S.T.I.D vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Để xây dựng Học viện trở thành tổ chức vững mạnh, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, cần đẩy mạnh sự kết nối giữa các mảng công tác: nghiên cứu chính sách, đào tạo, bồi dưỡng đến công bố kết quả nghiên cứu, phát huy thế mạnh tổng hợp của các đơn vị thành viên.

Đảng ủy Bộ KH&CN đã quyết định tái cơ cấu, đặt kỳ vọng Học viện trở thành trung tâm phát triển lý luận, tri thức về S.T.I.D. Đại hội lần này chính là cột mốc để Học viện mở ra giai đoạn mới, dù còn không ít khó khăn do hợp nhất các đơn vị vốn có đặc thù khác nhau. Song, đây cũng chính là cơ hội để bắt đầu một hành trình phát triển mới, đoàn kết, sáng tạo.

Nói về công tác đào tạo, bồi dưỡng, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề nghị, Học viện cần thay đổi mạnh mẽ, từ bỏ cách làm cũ, lối mòn; chú trọng mời các chuyên gia, nghiên cứu sinh chia sẻ thông qua chuyên đề, tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Học viện phải đặc biệt chú trọng 3 yếu tố then chốt: bộ máy, nhân sự và chiến lược. Học viện đã hình thành Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Giám đốc, bước tiếp theo là sắp xếp đội ngũ phù hợp, chuẩn bị nguồn lực nhân sự chất lượng cho giai đoạn mới. Thứ trưởng Bùi Thế Duy đặt ra yêu cầu, Học viện cần trở thành lực lượng chủ lực, đóng vai trò “xương sống” của Bộ, góp phần triển khai Nghị quyết 57 để phát triển KH&CN và lan tỏa trong cả nước. Để làm được, cần tạo điều kiện để cán bộ cống hiến, được đào tạo, thu hút người giỏi, tâm huyết tham gia công tác tại đơn vị. Việc Quốc hội thông qua Luật KH,CN&ĐMST cũng mở ra hành lang pháp lý thông thoáng, cho phép Học viện đề xuất gói kinh phí nghiên cứu riêng, tự chủ phát triển. Khuyến khích giao các đề tài nhỏ cho cán bộ trẻ, trao quyền tự chủ nghiên cứu gắn với cam kết đầu ra sản phẩm, từ đó tạo môi trường học thuật năng động, sáng tạo.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng đề nghị Học viện thiết lập cơ chế để cán bộ chuyên môn tham gia một số hoạt động của Bộ KH&CN, “vừa tư vấn, vừa học hỏi thực tiễn”, qua đó nâng cao năng lực, kinh nghiệm. Học viện cần trở thành trung tâm hàng đầu đào tạo, bồi dưỡng về S.T.I.D, có thể tham khảo các mô hình nổi tiếng như Trường Bồi dưỡng Lý Quang Diệu của Singapore hay Trường Hành chính công của Nhật Bản. Nội dung đào tạo cần được cập nhật thường xuyên, nhất là các công nghệ mới như ứng dụng AI trong quản lý nhà nước, kỹ năng số cho chính quyền cơ sở.

Xuân Bình

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)