Không chỉ tăng mạnh về số lượng, mùa giải 2025 còn ghi nhận sự tham gia sâu rộng hơn từ giới khoa học quốc tế. So với năm 2024, số đối tác đề cử tăng hơn 60%, chủ yếu đến từ châu Mỹ (chiếm 31%), tiếp đến là châu Âu (28,6%), châu Á (26,8%), châu Phi (7,1%) và châu Đại Dương (6,5%).
.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Giải thưởng Chính VinFuture 2024 (nguồn: VinFuture).
Một điểm nổi bật trong năm nay là gần 50% đối tác đề cử (tương đương 7.240 người) là chuyên gia đến từ các đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, như Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Stanford (Mỹ), Đại học Cambridge và Oxford (Anh), Đại học Melbourne (Úc), Đại học Toronto (Canada)... Ngoài ra, 1.395 đối tác đề cử (chiếm 9,4%) nằm trong nhóm 2% nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới, theo xếp hạng của Đại học Stanford.
Các đề cử năm nay tiếp tục trải rộng trên nhiều lĩnh vực thiết yếu của đời sống và phát triển bền vững toàn cầu, bao gồm: y học và chăm sóc sức khỏe (36,7%); năng lượng, giao thông vận tải và xây dựng (17,8%); môi trường và trái đất (17,8%); nông nghiệp và thực phẩm (11,3%). Đây đều là những lĩnh vực then chốt, phản ánh xu thế phát triển khoa học và công nghệ của nhân loại và đang thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế.
TS Lê Thái Hà - Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture chia sẻ, hành trình 5 năm với sứ mệnh “Khoa học phụng sự nhân loại” đã đưa VinFuture trở thành điểm hội tụ của trí tuệ toàn cầu cùng khao khát kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới. Sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng đối tác đề cử cùng chất lượng ngày càng cao của các công trình được đề cử qua từng năm không chỉ minh chứng cho niềm tin ngày càng vững chắc của cộng đồng khoa học quốc tế đối với Giải thưởng, mà còn phản ánh nhu cầu cấp thiết về những giải pháp khoa học và công nghệ đột phá nhằm xây dựng một thế giới nơi con người phát triển hài hòa với môi trường bền vững.
Vòng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture 2025 sẽ diễn ra từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8. Hội đồng Sơ khảo gồm 10 thành viên quốc tế tham gia đánh giá các đề cử theo quy trình chặt chẽ và chuẩn mực. Các tiêu chí cốt lõi bao gồm: mức độ đổi mới khoa học - công nghệ, tác động tích cực đến con người, cùng quy mô và tính bền vững của giải pháp.
LB