Thứ năm, 22/05/2025 08:56

Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học đến năm 2031

“Đầu tư vào con người chính là đầu tư cho tương lai của quốc gia”. Với quan điểm như vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa ban hành Chương trình phát triển nguồn giảng viên, nhà khoa học giai đoạn 2026-2031 (Quyết định 2499/QĐ-ĐHQGHN ngày 19/05/2025 của Giám đốc ĐHQGHN). Đây là một chính sách mang tính đột phá, hướng tới kiến tạo đội ngũ tinh hoa cho đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Điểm nhấn của chương trình là không chỉ tập trung vào tăng số lượng mà còn chú trọng phát triển chất lượng tinh hoa, nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học có năng lực dẫn dắt nghiên cứu và đào tạo thế hệ kế cận. Qua đó, chương trình góp phần định vị ĐHQGHN trên bản đồ tri thức toàn cầu, đồng thời đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia, cùng Nghị quyết số 45-NQ/TW về phát huy vai trò đội ngũ trí thức cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Chương trình đặt mục tiêu tuyển chọn khoảng 100 ứng viên ưu tú là học sinh, sinh viên xuất sắc, có đam mê nghiên cứu và khát vọng trở thành giảng viên, nhà khoa học tương lai của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chương trình đặt mục tiêu tuyển chọn khoảng 100 ứng viên ưu tú là học sinh, sinh viên xuất sắc, có đam mê nghiên cứu và khát vọng trở thành giảng viên, nhà khoa học tương lai của ĐHQGHN. Tiêu chuẩn tuyển chọn được đặt ra rất cao, không chỉ dựa trên thành tích học tập mà còn yêu cầu ứng viên có năng lực ngoại ngữ tốt, tư duy phản biện sắc bén, khả năng nghiên cứu độc lập và cam kết gắn bó lâu dài với nhà trường. Đặc biệt, ĐHQGHN ưu tiên hỗ trợ các ứng viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng giàu tinh thần vượt khó và nguyện vọng cống hiến cho khoa học.

Lộ trình đào tạo được thiết kế cá nhân hóa tối ưu, bao gồm các chương trình bồi dưỡng trong và ngoài nước, hợp tác với các đại học và viện nghiên cứu danh tiếng như Đại học Tokyo, Đại học Thanh Hoa, Đại học Paris-Saclay, Đại học KU Leuven, Đại học Arizona, Học viện Ngoại giao Moskva, cùng nhiều đối tác quốc tế khác. Đây là nền tảng để xây dựng hệ sinh thái ươm mầm trí tuệ trẻ, chuẩn bị lực lượng kế thừa cho các lĩnh vực trọng điểm như khoa học cơ bản, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, y sinh học và kinh tế số.

Chương trình mang tính đột phá khi ký hợp đồng đào tạo chính thức ngay từ đầu với các ứng viên, đảm bảo cam kết và trách nhiệm rõ ràng giữa hai bên. ĐHQGHN hỗ trợ toàn diện về học phí, sinh hoạt phí, chi phí đi lại, thực tập và nghiên cứu trong và ngoài nước, tương đương với các chương trình học bổng quốc tế uy tín. Bên cạnh đó, ứng viên được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm, hỗ trợ học ngoại ngữ, chỗ ở và tiếp cận cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm các phòng thí nghiệm trọng điểm. Sau khi hoàn thành chương trình, những ứng viên xuất sắc sẽ được ưu tiên tuyển dụng chính thức tại ĐHQGHN, đảm bảo phát huy tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao, tránh lãng phí tài năng và năng lực nghiên cứu.

Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức toàn cầu phát triển nhanh chóng, đội ngũ giảng viên và nhà khoa học chất lượng cao là nhân tố then chốt để Việt Nam bứt phá và phát triển. Chương trình không chỉ là bước đầu tư trọng điểm cho ĐHQGHN mà còn là hình mẫu tiêu biểu cho giáo dục đại học Việt Nam. Chương trình sẽ góp phần đưa ĐHQGHN vào nhóm các đại học hàng đầu châu Á và thế giới nhờ sở hữu đội ngũ tinh hoa, đồng thời tạo ra những hướng nghiên cứu xuất sắc trong các lĩnh vực chiến lược. Mô hình đào tạo và phát triển giảng viên chất lượng cao này cũng sẽ được lan tỏa đến các trường đại học thành viên và đại học địa phương, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo toàn ngành. Đặc biệt, chương trình hướng tới đào tạo thế hệ lãnh đạo học thuật tương lai - những người không chỉ giảng dạy mà còn dẫn dắt đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Có thể nói, đây chính là hạt nhân xây dựng “hệ gen khoa học” của ĐHQGHN, mở đường cho một nền giáo dục khai phóng, sáng tạo và nhân văn.

Vũ Hưng

 

TAGS :

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)