Thứ tư, 21/05/2025 17:13

Đấu giá thành công khối băng tần B2-B2’

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa đấu giá thành công khối băng tần B2-B2' (thuộc băng tần 700 MHz). Đây là bước tiến quan trọng hiện thực hóa mục tiêu phát triển hạ tầng số, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu "Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến". Phủ sóng 5G toàn quốc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện phát biểu tại buổi đấu giá.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi đấu giá, ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đấu giá lại quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần B2-B2’ và sẽ tiếp tục triển khai đấu giá các khối băng tần còn lại của băng tần 700 MHz trong thời gian tới. Mục tiêu then chốt là nhằm hỗ trợ khả năng phủ sóng thông tin di động trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, miền núi, đồng thời nâng cao chất lượng phủ sóng trong nhà tại các khu vực đô thị. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy bình đẳng số, mang công nghệ tiên tiến đến với mọi người dân, từ thành thị tới nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Đấu giá băng tần 700 MHz là một trong những giải pháp triển khai đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào hiện thực đó là phát triển hạ tầng viễn thông, Internet đáp ứng yêu cầu dự phòng, kết nối, an toàn, bền vững, hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh, mạng cáp quang băng thông rộng tốc độ cao phủ sóng toàn quốc, mạng thông tin di động 5G, 6G và các thế hệ tiếp theo.

B2-B2' là khối băng tần được quy hoạch để triển khai hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT - Advanced và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo tần số. Giá trị của một tần số phụ thuộc vào dải hoạt động rộng hay hẹp và tần số thấp hay cao. Tần số càng rộng, tốc độ truyền dữ liệu càng cao. Tần số ở dải càng thấp, sóng di động càng đi xa. Do ở tần số thấp, 700 MHz có vùng phủ rộng hơn so với các băng tần từng được đấu giá, nên được gọi là băng tần "kim cương".

Kết quả, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) giành chiến thắng, chính thức sở hữu quyền sử dụng khối băng tần B2-B2' trong vòng 15 năm tới. Trước đó vào tháng 03/2024, Viettel cũng đã trúng đấu giá quyền sử dụng băng tần 2500-2600 MHz với giá 7.533 tỷ đồng, thời hạn 15 năm. Với việc sở hữu hai băng tần chiến lược này, Viettel hiện đang nắm trong tay lợi thế kỹ thuật vượt trội so với các đối thủ - đặc biệt trong cuộc đua mở rộng vùng phủ sóng 5G trên toàn quốc.

Việc sở hữu băng tần 700 MHz giúp Viettel củng cố mạnh mẽ vị thế dẫn đầu trên thị trường viễn thông. Với hơn 20.000 trạm 5G dự kiến triển khai trong năm 2025, Viettel đặt mục tiêu mang đến trải nghiệm mạng nhanh hơn, ổn định hơn và phủ sóng sâu rộng hơn.

PT

 

TAGS :

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)