Ý nghĩa tiếng kêu của tinh tinh
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa và Viện Khoa học Nhận thức và Não bộ Max Planck Leipzig (Đức) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Thần kinh Nhận thức Marc Jeannerod và Trung tâm Nghiên cứu Thần kinh Lyon (Pháp) thực hiện. Nhóm nghiên cứu đã ghi lại hàng nghìn âm thanh từ ba nhóm tinh tinh hoang dã sống tại Vườn quốc gia Taï tại Bờ Biển Ngà. Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích cách mà 12 loại âm thanh cơ bản của tinh tinh được kết hợp thành 16 tổ hợp hai âm khác nhau và làm thay đổi ý nghĩa của từng âm khi đứng riêng lẻ.

Theo nghiên cứu, tinh tinh cũng sở hữu một hệ thống giao tiếp phức tạp (nguồn: Liran Samuni, Taï Chimpanzee Project).
TS Catherine Crockford - đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, việc tạo ra các ý nghĩa mới thông qua việc kết hợp từ là một dấu hiệu đặc trưng của ngôn ngữ con người. Điều quan trọng là phải xác định liệu loài tinh tinh và bonobo (những họ hàng gần nhất của con người) có khả năng tương tự hay không để có thể truy nguyên nguồn gốc của ngôn ngữ.
TS Roman Wittig - Giám đốc Dự án Tinh tinh Taï, đồng tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh, việc ghi âm hành vi giao tiếp của tinh tinh trong nhiều năm trong môi trường tự nhiên là điều thiết yếu để hiểu hết khả năng giao tiếp của chúng, mặc dù việc này ngày càng khó khăn do các mối đe dọa từ con người đến quần thể tinh tinh hoang dã.
Hệ thống giao tiếp phức tạp của tinh tinh
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tinh tinh có thể thay đổi ý nghĩa của các âm thanh đơn lẻ khi kết hợp chúng theo 4 cách khác nhau, tương tự các nguyên lý cốt lõi trong ngôn ngữ học của con người. Trong các tổ hợp mang tính cấu tạo, hai âm thanh khi kết hợp sẽ tạo thành một ý nghĩa mở rộng hoặc rõ ràng hơn. Ví dụ, nếu âm A biểu thị hành vi ăn uống và âm B biểu thị trạng thái nghỉ ngơi, thì tổ hợp AB có thể được hiểu là “vừa ăn vừa nghỉ”. Trong trường hợp khác, âm A có thể mang nghĩa mơ hồ như “đi lại hoặc ăn uống”, khi kết hợp với âm B biểu thị sự gây hấn, thì tổ hợp AB sẽ có nghĩa là “đi lại trong tình trạng gây hấn”. Ngoài ra, tinh tinh còn sử dụng tổ hợp không mang tính cấu tạo, trong đó hai âm thanh khi kết hợp lại mang một ý nghĩa hoàn toàn mới mà không thể suy luận từ nghĩa của từng âm riêng lẻ - tương tự như các thành ngữ trong ngôn ngữ con người. Một ví dụ điển hình là tổ hợp âm A biểu thị trạng thái nghỉ và âm B biểu thị sự thân thiện, nhưng tổ hợp AB lại mang ý nghĩa “làm tổ”.
Điều đáng chú ý, không giống như những nghiên cứu trước đây chỉ ghi nhận các tổ hợp âm thanh trong các tình huống giới hạn như cảnh báo về động vật săn mồi, nghiên cứu này cho thấy, tinh tinh có thể kết hợp hầu hết các âm thanh đơn lẻ trong vốn âm của chúng để tạo ra hàng loạt tổ hợp mới và sử dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau từ tìm kiếm thức ăn, nghỉ ngơi, đi lại đến tương tác xã hội.

Tinh tinh có thể thay đổi ý nghĩa của các âm thanh đơn lẻ khi kết hợp tương tự với con người (nguồn: internet).
TS Cédric Girard-Buttoz - tác giả chính của nghiên cứu nhận định, phát hiện này cho thấy, hệ thống giao tiếp bằng âm thanh của tinh tinh có tính sinh sản cao, tức là có khả năng tạo ra nhiều tổ hợp ý nghĩa mới - một điều chưa từng thấy trong thế giới động vật. Những kết quả này gợi ý rằng, khả năng tổ hợp ngôn ngữ phức tạp có thể đã tồn tại từ tổ tiên chung của loài người, tinh tinh và bonobo. Kết quả này thách thức quan điểm suốt thế kỷ qua rằng, giao tiếp ở linh trưởng lớn chỉ mang tính bản năng và gắn liền với cảm xúc, do đó không thể cung cấp thông tin gì về sự tiến hóa của ngôn ngữ. Ngược lại, nghiên cứu này cho thấy, đa số các loại âm thanh trong vốn âm của tinh tinh có thể thay đổi hoặc kết hợp ý nghĩa khi được sử dụng cùng với âm thanh khác. Hệ thống giao tiếp này với khả năng kết hợp linh hoạt, tạo ra nghĩa mới và dùng trong đa dạng ngữ cảnh làm dấy lên hai khả năng. Một là có điều gì đó thực sự đặc biệt trong giao tiếp của loài người và “họ hàng gần”. Hai là con người đã đánh giá thấp mức độ phức tạp trong giao tiếp của các loài động vật khác và điều này cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.
Phát hiện này không chỉ cung cấp cái nhìn mới về sự tiến hóa của ngôn ngữ, mà còn đặt ra những câu hỏi quan trọng về cách chúng ta định nghĩa và phân biệt giữa “ngôn ngữ” và “giao tiếp.” Trong khi các nhà ngôn ngữ học vẫn coi cấu trúc cú pháp, tức là cách sắp xếp trật tự từ ngữ ảnh hưởng đến nghĩa, là yếu tố then chốt phân biệt ngôn ngữ với các dạng giao tiếp khác. Nghiên cứu mới về cách giao tiếp của tinh tinh có thể buộc chúng ta phải xem xét lại ranh giới này. Khi tinh tinh có thể kết hợp âm thanh để tạo ra các ý nghĩa mới trong nhiều hoàn cảnh, thì sự khác biệt giữa ngôn ngữ con người và giao tiếp ở động vật dường như không còn tuyệt đối như trước.
Liệu đây có phải là bằng chứng cho thấy gốc rễ của ngôn ngữ nằm sâu hơn trong cây tiến hóa? Hay là lời nhắc rằng chúng ta cần mở rộng cách hiểu về giao tiếp trong tự nhiên? Dù câu trả lời là gì, nghiên cứu đã mở ra một hướng đi mới đầy thú vị trong việc giải mã sự phát triển độc đáo của ngôn ngữ loài người.
Xuân Bình (theo Max Planck Institute for Evolutionary Anthropology)