Thứ sáu, 09/05/2025 09:52

Hoạch định chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Kinh nghiệm từ châu Âu và bài học cho Việt Nam

Trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận về Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, ngày 07/05/2025, đoàn chuyên gia châu Âu đã có chuyến làm việc với một số đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực này. Chuyến làm việc được tổ chức thông qua Chương trình hỗ trợ kỹ thuật TAIEX của Liên minh châu Âu (EU).

Tại các phiên làm việc, các chuyên gia EU đã cung cấp những phân tích thực tiễn về quá trình xây dựng và thực thi chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò thiết yếu của việc huy động sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa, cộng đồng học thuật và khu vực Nhà nước ngay từ giai đoạn đầu của việc hoạch định chính sách. Cách tiếp cận đồng bộ này, sẽ giúp tăng tính khả thi và hiệu quả khi triển khai vào thực tế.

Các chuyên gia EU làm việc với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (nguồn: Trung tâm Truyền thông khoa học và công nghệ, Vụ Hợp tác Quốc tế).

Tại buổi làm việc với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, các chuyên gia tập trung vào vấn đề tiêu chuẩn hóa như một công cụ quan trọng thúc đẩy sự phát triển đổi mới và bền vững. Theo Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia Hà Minh Hiệp, nhu cầu cấp thiết trong việc xây dựng sớm các bộ tiêu chuẩn cho những lĩnh vực công nghệ mới như AI, Internet vạn vật (IoT) và năng lượng tái tạo là tiên quyết. Kinh nghiệm từ châu Âu cho thấy, việc thiết lập tiêu chuẩn nên dựa trên sự tham gia rộng rãi và sớm của các bên liên quan để đảm bảo tính phù hợp và khả thi. Việt Nam hiện đang từng bước tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có việc chấp nhận tài liệu kiểm định từ nước ngoài - một bước đi được phía EU đánh giá tích cực trong tiến trình hội nhập toàn cầu.

Các chuyên gia EU làm việc với Cục Đổi mới Sáng tạo (nguồn: Trung tâm Truyền thông khoa học và công nghệ, Vụ Hợp tác Quốc tế).

Trong phiên thảo luận với Cục Đổi mới sáng tạo, mô hình “sandbox” - cơ chế thử nghiệm chính sách trong môi trường có kiểm soát được nhấn mạnh là một sáng kiến đã mang lại nhiều kết quả tại Estonia và Phần Lan, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tài chính, y tế số và dữ liệu mở. Cơ chế này đang được Việt Nam nghiên cứu áp dụng để tạo không gian thử nghiệm linh hoạt cho các công nghệ mới mà vẫn đảm bảo kiểm soát rủi ro. Ngoài ra, việc ứng dụng AI trong việc đo lường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cũng là một điểm nhấn. Estonia và Phần Lan đã triển khai AI để xử lý dữ liệu và hỗ trợ đưa ra các quyết định chiến lược. Điều này mang lại nhiều bài học quý báu khi Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng các công cụ hỗ trợ đánh giá hiệu quả đầu tư và phân bổ nguồn lực cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Tại cuộc họp với Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Pháp chế, các chuyên gia EU nhấn mạnh đến việc thiết kế khung pháp lý và cơ chế tài chính để hỗ trợ đổi mới một cách toàn diện. Những chính sách như ưu đãi thuế cho hoạt động nghiên cứu và triển khai, tài trợ cho các dự án tiềm ẩn rủi ro cao, cũng như các hình thức hợp tác công - tư trong đầu tư công nghệ được xem là hiệu quả và cần được tham khảo trong bối cảnh Việt Nam. Bà Vũ Thị Tú Quyên - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, Việt Nam đang từng bước xây dựng một hệ thống chính sách minh bạch và phù hợp với thực tiễn quốc tế. Một vấn đề quan trọng khác là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Estonia và Phần Lan đang thực hiện nhiều chính sách hấp dẫn như thị thực nhanh, học bổng dài hạn và thu hút nhân tài từ cộng đồng kiều bào. Hai quốc gia này cũng đang xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu hiện đại, gắn kết chặt chẽ với các đối tác quốc tế để tăng cường khả năng cạnh tranh.

Trong khuôn khổ chương trình, đại diện EU và Việt Nam cũng đã trao đổi sâu về mô hình quản trị các viện nghiên cứu công lập. Cách tiếp cận theo hướng gắn kết tài trợ với kết quả đầu ra, thúc đẩy tính linh hoạt và tăng cường liên kết với khu vực tư nhân được EU khuyến nghị như một bước đi cần thiết trong cải tổ hệ thống nghiên cứu tại Việt Nam. Chuyến công tác lần này không chỉ cung cấp các góc nhìn mới về chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà còn mở ra triển vọng hợp tác sâu hơn giữa Việt Nam và EU trong hành trình chuyển đổi sang nền kinh tế sáng tạo, tri thức và bền vững. Đại diện EU tái khẳng định luôn sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, đối thoại chính sách và tăng cường kết nối quốc tế.

Xuân Bình

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)