
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, hiện Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có hiểu biết sâu về công nghệ ở cả khu vực Nhà nước và tư nhân. Khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước thiếu những nhà quản lý có trình độ chuyên môn vững, có khả năng triển khai các chiến lược chuyển đổi số. Ở khu vực công, áp lực cải cách đang tăng lên nhanh chóng, song nguồn lực thực hiện còn quá mỏng. Những khái niệm như “quản trị dựa trên dữ liệu”, hay “lấy người dân làm trung tâm” đang được nhắc đến nhiều, nhưng bài toán lớn vẫn là: Ai sẽ triển khai những ý tưởng này trong thực tế?. Một điểm quan trọng là nhiều đơn vị đang dồn toàn bộ trọng trách chuyển đổi số cho lực lượng công nghệ thông tin, mà bỏ qua vai trò của các kỹ sư hiểu biết quy trình nghiệp vụ. Những người vừa am hiểu đặc thù ngành, vừa thành thạo công nghệ là mắt xích không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động tái cấu trúc hay chuyển đổi nào.
Chia sẻ tại Tọa đàm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, nhiều địa phương đã chủ động tìm đến FPT để đề nghị hỗ trợ cung cấp lực lượng kỹ sư có thể đáp ứng nhu cầu về S.T.I.D mà Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Ông nhấn mạnh, cần nhanh chóng đào tạo thế hệ kỹ sư phù hợp với yêu cầu mới, không chỉ đào tạo lý thuyết mà phải bám sát thực tiễn, với tốc độ nhanh chưa từng có.
Ông Lê Thanh Tùng - thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng, kỹ sư thời nay cần hội tụ nhiều năng lực: không chỉ nắm vững kiến thức nền tảng về tự động hóa, AI, dữ liệu lớn hay điện toán đám mây, mà còn phải thành thạo ngoại ngữ, quản trị bản thân, quản trị tổ chức và có tinh thần học hỏi liên tục trong môi trường luôn biến động.
Đồng tình với những quan điểm trên, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn FPT - Nguyễn Văn Khoa cho biết, một kỹ sư “chuẩn 57” cũng cần hiểu về pháp luật. Ông cho rằng, đa phần kỹ sư hiện nay thiếu nền tảng pháp lý, trong khi việc triển khai chuyển đổi số trong khối nhà nước chỉ có thể thực hiện nếu đúng với các quy định hiện hành. Những kiến thức về tư duy hệ thống cũng cần được tích hợp vào chương trình đào tạo, nhằm nâng cao năng lực nhìn nhận tổng thể, không chỉ tập trung vào người dùng cuối mà còn phải hướng đến toàn xã hội, từ doanh nghiệp, người dân đến Chính phủ.
Xuân Bình