
Toàn cảnh Tọa đàm (nguồn: vnuhcm.edu.vn).
Mục tiêu của Chương trình là đưa nghiên cứu khoa học cơ bản trở thành nền tảng phát triển kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia, ươm mầm nhân tài khoa học, là tiền đề cho các sáng chế và làm chủ công nghệ chiến lược, đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững, thúc đẩy tiến bộ xã hội, làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại và nền văn hóa Việt Nam. Đến năm 2030, các ngành toán học, vật lý, hóa học, khoa học môi trường, kinh tế, quản lý, ngôn ngữ thuộc top 100-150 thế giới; các ngành sinh học, khoa học trái đất thuộc top 200-250 thế giới theo bảng xếp hạng QS.
Chương trình được thực hiện dựa trên 3 trụ cột: Phát triển nhân tài khoa học lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học liên ngành; tích hợp nghiên cứu cơ bản với các công nghệ chiến lược, với đổi mới sáng tạo; xây dựng hạ tầng nghiên cứu hiện đại, đồng bộ với chuyển đổi số.
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm qua, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là đơn vị dẫn đầu cả nước về số chương trình đào tạo được xếp hạng thế giới (18 chương trình, trong đó có 15 chương trình được xếp trong top 500 thế giới, trong số này có nhiều chương trình thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản); 154 chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Trong năm 2024, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có hơn 3.000 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó có hơn 45% thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản.
Thời gian qua, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai nhiều chính sách để thu hút nhân tài như chương trình VNU350 đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tuyển dụng được 350 nhà khoa học hay đặt mục tiêu bổ nhiệm 100 giáo sư thỉnh giảng trong giai đoạn 2025-2030, trong đó riêng các năm 2025, 2026 số lượng mời và bổ nhiệm là 50 người.
PT