
TS Đặng Trọng Hợp - Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho biết, thị trường việc làm lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có, đặc biệt trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và an ninh mạng. Thời điểm hiện tại, nhóm ngành công nghệ như công nghệ thông tin tiếp tục dẫn đầu về dự định tuyển dụng nhân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông đang đóng góp quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ thông tin trong nước cũng như quốc tế. Với 06 ngành/chương trình đào tạo trình độ đại học, trong đó có 01 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, 01 chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế ABET, 01 ngành đào tạo trình độ thạc sỹ, chương trình đào tạo của Trường được thiết kế bài bản, cập nhật liên tục với xu hướng công nghệ toàn cầu, nhằm trang bị cho học viên, sinh viên những kiến thức và kỹ năng tiên tiến nhất. Điều này tạo thuận lợi cho người học sau khi tốt nghiệp có thể tham gia ngay vào thị trường lao động chất lượng cao, trở thành những ứng viên không chỉ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao trong nước mà còn có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh phát triển S.T.I.D, vai trò của Trường trong việc cung cấp đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin giỏi, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước là vô cùng thiết yếu.
Không chỉ tập trung đào tạo kiến thức chuyên môn, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông còn đặc biệt chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên thông qua nhiều hoạt động ngoại khóa phong phú, giúp người học phát triển toàn diện các kỹ năng cần thiết cho môi trường làm việc năng động.
Với phương châm “Đào tạo gắn với doanh nghiệp - Việc làm sau tốt nghiệp”, Nhà trường đã ký kết hợp tác chiến lược với hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hoạt động hợp tác không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận sinh viên thực tập mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như: đồng xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức lớp học theo đơn đặt hàng, nghiên cứu chuyển giao công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên.
Đặc biệt, Nhà trường còn chú trọng phát triển mô hình “Trường học trong doanh nghiệp - Doanh nghiệp trong trường học”, nhằm đưa kiến thức sát với nhu cầu thực tế của từng ngành nghề. Do đó, việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên có thêm cơ hội thực hành kỹ năng làm việc, rèn luyện khả năng giao tiếp và thích ứng với áp lực công việc.
Phong Vũ, Duy Bình