
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong chủ trì phiên họp (nguồn: N.A)
Xác định nhiệm vụ trọng tâm
Vĩnh Phúc đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trọng tâm là xây dựng bộ máy chỉ đạo chuyên trách, trong đó Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được kiện toàn với sự tham gia của đại diện các sở, ngành liên quan cùng các chuyên gia đầu ngành. Ban Chỉ đạo sẽ xây dựng quy chế hoạt động chi tiết và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để đảm bảo hiệu quả triển khai.
Công tác xây dựng chương trình hành động đang được đẩy mạnh với việc ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo quan trọng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành Chương trình hành động, trong khi UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo sẽ thông qua Chương trình công tác năm 2025 và triển khai Kế hoạch tuyên truyền sâu rộng về Nghị quyết số 57-ND/TW tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tỉnh xác định các nhiệm vụ trọng tâm đột phá cần thực hiện nhanh gồm: (1) Phát triển mô hình "học tập số" trong toàn ngành giáo dục; (2) Đào tạo nguồn nhân lực số chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển; (3) Cập nhật danh mục ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ; (4) Hiện đại hóa hệ thống phần mềm quản lý; (5) Xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị chủ trì và phối hợp trong quá trình triển khai.
Đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ số của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Trong giai đoạn 2025-2030, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu nằm trong top 15 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tỉnh dự kiến có ít nhất một khu công nghiệp với 30% diện tích giành cho doanh nghiệp công nghệ cao, đồng thời đưa vào hoạt động 15 doanh nghiệp khoa học công nghệ và 10 doanh nghiệp công nghệ cao. Hạ tầng công nghệ số sẽ được hoàn thiện, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các hệ thống quản lý và giám sát, góp phần nâng cao chỉ số chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến.
.jpg)
Lumi Smart Factory Việt Nam - một trong những doanh nghiệp khoa học công nghệ hàng đầu cả nước có trụ sở tại Khu công nghiệp Thăng Long (Vĩnh Phúc) (nguồn: Báo Vĩnh Phúc).
Đến năm 2045, Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ số của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Kinh tế số sẽ đóng góp ít nhất 60% GRDP của tỉnh, khẳng định vị thế của Vĩnh Phúc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tỉnh sẽ phát triển mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Hạ tầng số hiện đại sẽ được xây dựng để đảm bảo kết nối chặt chẽ với các trung tâm công nghệ trong nước và quốc tế, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ và nhà đầu tư chiến lược.
Bên cạnh đó, lĩnh vực chuyển đổi số được xác định là then chốt với nhiều mục tiêu cụ thể. Tỉnh phấn đấu triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, phát triển ứng dụng "Công dân Vĩnh Phúc" để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đồng thời mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch hành chính và kinh tế. Hệ thống dữ liệu dân cư và giám sát camera thông minh sẽ được kết nối, chia sẻ đồng bộ. Tỉnh cũng nghiên cứu thuê hạ tầng số từ các nhà cung cấp chuyên nghiệp để tối ưu hiệu quả đầu tư.
Chính sách đồng bộ và thu hút đầu tư
Tại phiên họp, nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được đưa ra thảo luận, xem xét. Trọng tâm là nâng cao nhận thức, đột phá trong tư duy, đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ để tạo xung lực mới trên toàn xã hội. Tỉnh cũng tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, loại bỏ các rào cản nhằm biến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành lợi thế cạnh tranh, với mức đầu tư tối thiểu 15% ngân sách nhà nước hàng năm cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đổi mới giáo dục, đào tạo và thu hút nhân tài, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như toán, lý, hóa, sinh và công nghệ. Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào hoạt động quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, hướng tới một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả.
Đặc biệt, dựa trên chính sách của Trung ương và điều kiện thực tế địa phương, Vĩnh Phúc sẽ xây dựng các cơ chế đặc thù để khuyến khích khởi nghiệp, thu hút doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước, đồng thời mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Qua đó, Tỉnh kỳ vọng tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hằng Dương