Xu hướng số hóa trong quản lý các sản phẩm nông nghiệp
Với sự bùng nổ của công nghệ số, việc áp dụng các giải pháp số hóa trong quản lý hồ sơ và các sản phẩm đặc sản không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quyết định để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường tính cạnh tranh trên thị trường. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, phát triển kinh tế nông thôn là nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam. Ngày 01/08/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP nhằm khuyến khích sự phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế, cải thiện thu nhập và đời sống cho người dân ở các khu vực nông thôn. Từ khi được triển khai trên toàn quốc, Chương trình OCOP đã giúp tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm bản địa và thu hút sự quan tâm của thị trường cả trong và ngoài nước.
Bến Tre là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nổi tiếng.
Tuy nhiên, tại tỉnh Bến Tre - một trong những địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nổi tiếng như dừa, tôm, sầu riêng, xoài… vẫn còn tồn tại nhiều thách thức trong việc quản lý và phát triển. Những thách thức cơ bản như: cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa được đồng bộ và phát triển mạnh mẽ, dẫn đến việc quản lý Chương trình OCOP gặp nhiều khó khăn; hệ thống quản lý thông tin các sản phẩm OCOP giữa các cấp, từ tỉnh đến xã chưa được tối ưu hóa, gây ra sự chồng chéo trong quản lý và khó khăn trong việc giám sát, theo dõi, cũng như đánh giá chất lượng sản phẩm… Ngoài ra, việc kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, hộ sản xuất sản phẩm OCOP còn hạn chế, khiến quá trình kiểm định, chứng nhận và cập nhật thông tin sản phẩm không được thực hiện một cách nhanh chóng và minh bạch.
Sự vào cuộc của các nhà khoa học
Để hỗ trợ địa phương nâng cao hiệu quả quản lý sản phẩm đặc sản của địa phương, các cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu Địa - Tin học, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) đã đề xuất và được phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình chuyển đổi số trong quản lý chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bến Tre”. Ngày 28/10/2022, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt nội dung và dự toán kinh phí thực hiện đề tài giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre và Trung tâm Nghiên cứu Địa - Tin học. Sau 3 năm triển khai thực hiện, đề tài đã hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra, cụ thể:
Một là, đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP hoàn chỉnh, bao gồm 6 nhóm cơ sở dữ liệu, xây dựng tổng 284 trường dữ liệu (vượt 88/196 trường dữ liệu so với thuyết minh), tất cả các nhóm cơ sở dữ liệu đều có thể truy cập và khai thác trực tuyến.
Hai là, đã xây dựng được trang thông tin về sản phẩm OCOP tỉnh Bến Tre, tích hợp với 54 module chức năng phần mềm. Trang thông tin cung cấp đầy đủ các chức năng hỗ trợ người dùng, cán bộ quản lý tra cứu và tìm kiếm thông tin về các chủ thể và sản phẩm OCOP, quản lý hồ sơ sản phẩm, cũng như thực hiện việc đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP trực tuyến ở cấp huyện, cấp tỉnh trong toàn tỉnh Bến Tre.
Ba là, đã xây dựng 09 mô hình ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và thương mại các sản phẩm OCOP, sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số cho 09 chủ thể tiêu biểu trên địa bàn 09 huyện/thành phố của tỉnh Bến Tre. Hướng dẫn, tập huấn cho 09 chủ thể tiêu biểu ứng dụng công nghệ số trên hệ thống thông tin chương trình OCOP.
Bốn là, đã tổ chức thành công hội thảo khoa học với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp quản lý và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bến Tre”.
Năm là, đã cài đặt hệ thống, cơ sở dữ liệu OCOP tỉnh Bến Tre trên môi trường mạng internet, cấu hình tên miền cho hệ thống theo địa chỉ “https://ocop.bentre.gov.vn”.
Sáu là, đã tổ chức 15 lớp đào tạo, tập huấn quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu OCOP tỉnh Bến Tre, gồm 01 lớp cho cán bộ và hội đồng đánh giá phân hạng cấp tỉnh, 03 lớp cho cán bộ và hội đồng đánh giá phân hạng cấp huyện, 09 lớp cho cán bộ quản lý cấp xã và 02 lớp cho chủ thể OCOP. Kết thúc khoá tập huấn, các chủ thể OCOP có thể quản lý thông tin, hồ sơ, sản phẩm của mình trên hệ thống, cán bộ các cấp có thể quản lý, đánh giá, phân hạng sản phẩm trực tuyến trên hệ thống, giúp tiết kiệm được thời gian, công sức, tài chính trong quản lý hồ sơ và sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, các cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu Địa - Tin học đã hướng dẫn các cơ sở sản xuất như Công ty TNHH Funny Fruit, cơ sở chế biến thực phẩm Trọng Nhân... sử dụng các thiết bị công nghệ, đặc biệt là máy tính và máy in mã vạch, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cung cấp thông tin chi tiết đến người tiêu dùng.
Hỗ trợ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất truy xuất nguồn gốc và quản lý sản phẩm.
Với những kết quả đã đạt được, mô hình chuyển đổi số đã giúp nâng cao chất lượng, năng lực ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP, góp phần phát triển bền vững và hiệu quả các hoạt động liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường nhận thức của cộng đồng trong việc đầu tư sản xuất và kinh doanh gắn liền với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Phong Vũ