Thứ năm, 28/11/2024 15:17

Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số

TS Ngô Anh Tín

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST) vẫn còn ở giai đoạn ban đầu. Mặc dù sự phát triển của các công nghệ mới và nền kinh tế chia sẻ đang mang lại những cơ họi thuận lợi để các công ty khởi nghiệp phát triển và thành công, song tại khu vực ĐBSCL, các doanh nghiệp này đang phải vượt qua hàng loạt thách thức, bao gồm những thách thức từ chính bản thân họ và tác động từ bên ngoài.

Hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trong những năm qua, hoạt động giáo dục khởi nghiệp và ĐMST ở các trường đại học vùng ĐBSCL bắt đầu được chú trọng, các chương trình đào tạo về khởi nghiệp và ĐMST bắt đầu đi vào thực tiễn. Nhiều trường đại học có chương trình đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên như Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học An Giang…

Nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và ĐMST, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, điển hình như: Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 18/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/07/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022-2030… Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch hoặc đề án hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, trong đó đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp và ĐMST cho người học; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nhà giáo làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp; tạo kết nối để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thêm sự trợ giúp về kiến thức kinh doanh trong kỷ nguyên số và các mối quan hệ trong cộng đồng, hệ sinh thái.

Các thiết bị, sản phẩm của Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Cần Thơ được trưng bày Triển lãm Quốc tế sản phẩm, máy móc, thiết bị nông nghiệp Việt Nam - Growtech Vietnam 2024.

Nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ hội đủ các yếu tố phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST. Với hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã hình thành; các sự kiện xúc tiến thị trường được tổ chức thường xuyên, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Bên cạnh đó, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và ĐMST tại TP Cần Thơ cũng bắt đầu xuất hiện, đóng vai trò lớn trong việc kết nối, tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn đầu tư cho các đơn vị khởi nghiệp, giúp họ phát triển vững chắc hơn.

Mặc dù có nhiều cơ hội nhưng hoạt động khởi nghiệp của các doanh nghiệp khởi nghiệp vùng ĐBSCL cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Những thách thức này được chia thành 2 nhóm:

Thách thức đến từ chính nội bộ doanh nghiệp: Từ góc độ kinh tế, các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp vùng ĐBSCL thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn (cả vốn đầu tư và vốn vay). Thiếu vốn dẫn đến các khó khăn khác trong tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, mua sắm cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, cũng như tiếp cận các công nghệ số. “Tuổi trẻ” cũng là một rào cản đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi đặc thù không cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn về uy tín và hiểu biết pháp luật, khó khăn hơn trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ với các đối tác, không thể dựa vào danh tiếng trên thị trường tài chính, khó khăn hơn trong việc xây dựng mạng lưới hoặc tạo sự cân bằng trong liên minh.

Bên cạnh đó, hầu hết gười sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trong thực tiễn. Phong trào khởi nghiệp nở rộ đã bộc lộ điểm yếu của các nhà sáng lập. Phần lớn họ thiếu kỹ năng cần có trong thời đại số, thiếu tính linh hoạt và khả năng thích ứng. Một trong những thách thức, rào cản khác là những người sáng lập không giỏi tiếng Anh. Việc chủ động tiếp thu có chọn lọc những tri thức, làm chủ công nghệ, tư duy sáng tạo và trau dồi ngoại ngữ thật tốt là một yêu cầu không thể thiếu trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp vùng ĐBSCL, tiếng Anh chưa thông thạo đã khiến họ khó tiếp thu kiến thức, công nghệ bên ngoài và vươn ra khu vực cũng như thế giới.

Rào cản đến từ môi trường bên ngoài doanh nghiệp: Thực tế cho thấy, rất khó tìm nhà đầu tư thiên thần trong giai đoạn đầu ở các lĩnh vực công nghệ và tài nguyên. Những doanh nhân thành đạt trong các lĩnh vực này thường có cái nhìn rất khác và chưa quen với khởi nghiệp. Vì vậy, họ có xu hướng bỏ tiền đầu tư vào những lĩnh vực có thế mạnh, có nhiều mối quan hệ và am hiểu thị trường, thay vì đầu tư vào startup. Việc huy động vốn từ các quỹ đầu tư cũng là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp vùng ĐBSCL. Do đặc thù kinh tế của vùng chủ yếu là nông nghiệp nên yếu tố rủi ro thời vụ cao; hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm nông nghiệp truyền thống thấp, chưa có nhiều yếu tố công nghệ... Ngoài ra, cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và ĐMST trong vùng được ban hành còn chưa đồng bộ; chưa có chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp ĐMST ngay từ giai đoạn đầu. Hệ thống vườn ươm khởi nghiệp chưa hoàn thiện. Các cơ sở ươm tạo còn non trẻ, vẫn còn những hạn chế như: cơ sở vật chất yếu kém, chưa tiếp cận được với các công nghệ số, hoạt động chậm, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ làm giảm hiệu quả dự án…

Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST của các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL mới đang ở giai đoạn hình thành ban đầu. Mặc dù thời gian qua đã đạt được những bước tiến nhất định, nhưng các nhân tố trong hệ sinh thái phát triển khởi nghiệp và ĐMST còn chậm, thiếu tính bền vững. Đặc biệt, một rào cản lớn đối với hoạt động khởi nghiệp và ĐMST là công nghệ ở ĐBSCL chưa phát triển. Tâm lý sợ thất bại trong kinh doanh cũng là một điểm yếu của các starup trong vùng.

Giải pháp phát triển trong thời gian tới

Nền tảng kỹ thuật số đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển và thành công của các công ty khởi nghiệp. Bằng cách tận dụng những nền tảng này, các công ty khởi nghiệp có thể tiếp cận khách hàng mới, thu được những hiểu biết có giá trị và hợp lý hóa hoạt động của mình, từ đó đạt được mục tiêu và phát triển trong thời đại kỹ thuật số. Tuy nhiên, việc điều hướng hành trình chuyển đổi kỹ thuật số đòi hỏi các công ty khởi nghiệp phải áp dụng cách tiếp cận toàn diện, bao gồm công nghệ, sự linh hoạt, lấy khách hàng làm trung tâm và mở rộng hợp tác.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tham quan gian hàng của Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần II năm 2024.

 

Tại vùng ĐBSCL, để giải quyết những khó khăn, thách thức đối với hoạt động khởi nghiệp và ĐMST trong kỷ nguyên kỹ thuật số, các biện pháp cần triển khai đồng bộ trong thời gian tới gồm:

Một là, nâng cao tinh thần khởi nghiệp và xây dựng văn hoá khởi nghiệp ĐMST trong giới trẻ theo định hướng hành động của Chính phủ. Các đơn vị có liên quan, cần tập trung mọi nguồn lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp. Các loại hình doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ đều cần tinh thần khởi nghiệp để tạo ra các sản phẩm mới và động lực phát triển mới. Ở cấp độ thông thường và phổ biến nhất, đó chính là tạo động lực khởi nghiệp trong doanh nghiệp.

Hai là, các công ty khởi nghiệp vùng ĐBSCL cần được trang bị kiến thức, kinh nghiệm và chuyên môn cơ bản để nhận được các nguồn tài trợ ngay từ giai đoạn ban đầu. Bên cạnh đó, học cần được trang bị đầy đủ các kiến thức về kinh doanh, kinh tế và các kỹ năng điều hành, quản lý doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và tiềm năng công nghệ số tạo khả năng phát triển toàn diện cho doanh nghiệp khởi nghiệp, củng cố vị thế bền vững hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra, cần xây dựng và tổ chức nhiều chương trình khuyến khích các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn đầu, giúp họ tìm hiểu các chiến lược về cách thúc đẩy tăng trưởng, huy động vốn, quản lý nhân sự và phát triển nền tảng công nghệ số, cũng như cải thiện các hoạt động tiếp thị và bán hàng. Từ đó, các công ty khởi nghiệp có thể tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh của mình để huy động vốn.

Ba là, đa dạng hoá các hình thức và lĩnh vực khởi nghiệp, từ đó tìm ra thị trường ngách cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp tại ĐBSCL đều là khởi nghiệp thông thường, dựa trên các sản phẩm nông nghiệp bản địa, chưa áp dụng nhiều công nghệ và chưa có tính sáng tạo đột phá. Công nghệ là nền tảng để các doanh nghiệp khởi nghiệp duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; đồng thời tạo thị phần cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Nói cách khác, một doanh nghiệp không thể gọi là khởi nghiệp nếu thiếu yếu tố công nghệ. Hiểu đúng khái niệm khởi nghiệp ĐMST là điều kiện tiên quyết để xác định đúng đối tượng và mục tiêu của các chương trình và chính sách khởi nghiệp. Đồng thời, đảm bảo tính hiệu quả của các chính sách, chương trình hỗ trợ để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và phát huy được nguồn lực của các tác nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Bốn là, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST hướng tới phát triển bền vững, trong đó tập trung vào chất lượng hơn là số lượng. Để thực hiện được mục tiêu này, cần tăng cường vai trò của các trường đại học trong hệ sinh thái. Việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST có mục tiêu cuối cùng là tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và ĐMST sẽ là hạt nhân để huy động khai thác, liên kết, tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái từ xã hội, nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và ĐMST tiếp tục phát triển và thành công trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)