Ô nhiễm nhựa và tác động đến hệ thống Trái đất
Nhựa từng được xem là vật liệu an toàn, nhưng thực tế đã cho thấy, loại vật liệu này có thể gây hại đáng kể cho cả môi trường và sức khỏe con người. Theo nghiên cứu do Patricia Villarrubia-Gómez - Trung tâm Khả năng chống chịu Stockholm (Thụy Điển), việc sản xuất nhựa từ các nguyên liệu hóa thạch và những hợp chất tạo thành nhựa góp phần làm gia tăng các vấn đề môi trường lớn. Mỗi năm, có khoảng 500 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn cầu, nhưng chỉ 9% trong số đó được tái chế, còn lại hầu hết đều tồn tại lâu dài trong tự nhiên.
Ô nhiễm nhựa không chỉ là một vấn đề rác thải, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến các giới hạn của hành tinh (nguồn: internet).
Khái niệm giới hạn hành tinh (planetary boundaries) đề cập đến các ngưỡng môi trường mà con người không nên vượt qua để tránh gây hại nghiêm trọng đến hành tinh. Ô nhiễm nhựa hiện đang tác động lên nhiều giới hạn này như:
Biến đổi khí hậu: Quá trình sản xuất nhựa thải ra lượng lớn khí thải carbon, góp phần vào tình trạng biến đổi khí hậu.
Axit hóa đại dương: Các hạt nhựa phân rã trong nước biển ảnh hưởng đến độ pH của đại dương và tác động tiêu cực lên hệ sinh thái biển.
Suy giảm đa dạng sinh học: Nhựa gây hại trực tiếp cho các loài động thực vật và hệ sinh thái qua nhiều hình thức, từ làm ô nhiễm môi trường sống đến ảnh hưởng tới chuỗi thức ăn.
Nhựa không đơn thuần là những vật liệu trơ và vô hại. Chúng được tạo thành từ hàng ngàn hợp chất hóa học, trong đó nhiều loại là chất gây rối loạn nội tiết và chất “hóa học vĩnh cửu” - các hợp chất không phân hủy, gây độc cho môi trường và sức khỏe con người.
Theo Patricia Villarrubia-Gómez, việc xem nhựa chỉ là những sản phẩm bảo vệ tiện dụng hoặc dễ dàng dọn dẹp khi thành rác thải là một nhận thức sai lầm. Thực tế là nhựa ảnh hưởng tới hệ sinh thái từ giai đoạn khai thác nguyên liệu, sản xuất, sử dụng, cho đến khi thải ra môi trường. Vì vậy, việc chỉ coi ô nhiễm nhựa là vấn đề quản lý rác thải là cách nhìn nhận quá đơn giản và thiếu sót. Các nhà nghiên cứu đã phát triển các yếu tố kiểm soát để đánh giá ô nhiễm nhựa trong khuôn khổ giới hạn hành tinh. Phương pháp “chuỗi tác động” giúp phân tích tác động của nhựa ở 3 giai đoạn chính trong vòng đời:
Khai thác nguyên liệu thô và sản xuất nhựa: Quá trình này tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên, thải ra khí nhà kính và gây ra ô nhiễm.
Sử dụng và phát thải ra môi trường: Trong quá trình sử dụng, các hạt vi nhựa từ sản phẩm bị thoát ra ngoài môi trường, gây tác động dài lâu.
Ảnh hưởng đến hệ thống Trái đất: Các hạt vi nhựa tồn tại trong môi trường tác động đến khí hậu, sinh thái và sức khỏe con người.
Việc xem xét chuỗi tác động này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách thức ô nhiễm nhựa tác động lên môi trường toàn cầu. Ngoài ra, điều này sẽ hỗ trợ thiết lập các tiêu chí kiểm soát phù hợp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực.
Sự phức tạp và đa dạng trong dữ liệu ô nhiễm nhựa
Việc thu thập dữ liệu về sản lượng và tác động của nhựa cũng gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, thế giới sản xuất ít nhất 506 triệu tấn nhựa, với tổng cộng 11,090 triệu tấn được sản xuất từ năm 1950 đến 2022. Tuy nhiên, việc thiếu tiêu chuẩn hóa trong báo cáo dữ liệu về các loại polyme nhựa khác nhau và thiếu chi tiết về phương pháp dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá tác động chính xác. Những bất cập này gây cản trở cho những nỗ lực nghiên cứu và phản ứng chính sách. Dù vậy, các bằng chứng hiện có vẫn cho thấy tác động tiêu cực của nhựa đến môi trường. GS Bethanie Carney Almroth - Đại học Gothenburg (Thụy Điển) chia sẻ, các giải pháp phát triển phải tính đến sự phức tạp này, từ an toàn đến tính bền vững, nhằm bảo vệ hành tinh.
Cần kiểm soát tác động của nhựa một cách kịp thời và hiệu quả hơn (nguồn: internet).
Khi Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa đang đến gần giai đoạn hoàn thiện, các nhà nghiên cứu và chuyên gia kêu gọi các nhà hoạch định chính sách không chỉ xem ô nhiễm nhựa là vấn đề rác thải, mà cần tập trung vào toàn bộ chuỗi tác động của nó đối với Trái đất. Điều này cho phép phát hiện và kiểm soát tác động của nhựa một cách kịp thời và hiệu quả hơn. Các giải pháp không chỉ dừng ở việc quản lý rác thải mà cần thực hiện ở mọi giai đoạn (từ sản xuất, sử dụng đến quản lý khi nhựa được thải ra môi trường). Hiện nay, việc quản lý ô nhiễm nhựa một cách tổng thể là vấn đề cấp bách và cần thiết để giảm thiểu những hậu quả lâu dài cho hành tinh và con người. Điều này cũng mở ra cơ hội cho các quốc gia thực hiện các chính sách và chiến lược hướng đến một tương lai bền vững hơn.
Xuân Bình (theo Science Daily)