Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn voi tại Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050 được xây dựng trên cơ sở khoa học, là kết quả của sự hợp tác giữa Cục Lâm nghiệp và Tổ chức Humane Society International (HSI) từ năm 2019. Kế hoạch đề ra 33 nhóm giải pháp/hành động dành cho voi hoang dã và 21 nhóm giải pháp/hành động dành cho voi nuôi nhốt, triển khai từ nay đến năm 2035 với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm bảo tồn và phát triển/gia tăng số lượng voi tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự chung sống hài hòa giữa voi và cộng đồng con người. Các mục tiêu dài hạn bao gồm mở rộng hệ thống khu bảo tồn, tăng cường các biện pháp chống săn bắt và phát triển du lịch sinh thái, vừa hỗ trợ công tác bảo tồn vừa thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện kế hoạch.
Trước đó, trong các năm từ 1996, 2006, 2012, 2013 và 2022, Việt Nam đã ban hành một chương trình hành động cấp Bộ và 3 kế hoạch, đề án cấp Chính phủ để bảo tồn voi do tầm quan trọng của loài này. Tương ứng với từng giai đoạn, công tác bảo tồn voi đã có những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt vào năm 2019, Chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa được tiến hành tiên phong tại tỉnh Đồng Nai, với 3 sáng kiến “Giám sát voi bằng bẫy ảnh”; “Giám sát xung đột voi người” nhằm cải thiện việc quản lý hiện tại hướng tới chung sống hài hòa và “Quản lý vùng sống và sinh cảnh của voi”.
Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn voi đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050, thể hiện cam kết của Việt Nam về một chiến lược thống nhất, tôn trọng văn hóa, đảm bảo tương lai cho loài voi quý giá này.
CT