Hội nghị năm 2024 quy tụ gần 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên từ nhiều tổ chức, cơ quan uy tín.
PGS.TS Triệu Hùng Trường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết: Thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và nhiều vấn đề khác có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và sự phát triển của nhân loại. Trong bối cảnh đó, khoa học Trái đất và các nghiên cứu về tài nguyên trở thành nền tảng quan trọng, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những thay đổi và tác động của chúng, từ đó tìm ra giải pháp để phát triển bền vững.
PGS.TS Triệu Hùng Trường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất phát biểu khai mạc Hội nghị.
Hội nghị lần này với chủ đề “Khoa học trái đất và tài nguyên với phát triển bền vững” không chỉ là một hướng đi mà còn là một sứ mệnh, lời cam kết của giới khoa học đối với sự phát triển bền vững của đất nước và toàn cầu. Đây là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia và các tổ chức cùng chia sẻ, trao đổi những công trình nghiên cứu, ý tưởng, giải pháp, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách; đồng thời nâng cao sự hiểu biết và ý thức của cộng đồng về tầm quan trọng của tài nguyên, môi trường; có giải pháp quyết liệt để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực và bảo đảm sự phát triển lâu dài.
Tại Hội nghị, 2 báo cáo điển hình được trình bày tại phiên toàn thể: PGS.TS Nguyễn Văn Lâm, Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam và nhóm nghiên cứu báo cáo về Xác định và dự báo sự dịch chuyển của các kim loại nặng từ nguồn ô nhiễm vào tầng chứa nước dưới đất bở rời, các giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm. GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất và nhóm nghiên cứu báo cáo về Trượt đất ở những vùng dễ bị tổn thương và trong điều kiện cực đoan: các loại hình, nguyên nhân và chiến lược giảm thiểu - cách nhìn mới từ hậu quả của bão Yagi ở miền Bắc Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các báo cáo đã mở ra những hướng nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn về những chủ đề đang rất được quan tâm hiện nay trong xu hướng bảo vệ nguồn nước và phòng tránh, giảm thiểu các tai biến thiên nhiên, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam.
Trong phiên thảo luận tại 18 tiểu ban chuyên môn, các nhà khoa học đã trao đổi về các chủ đề của Hội nghị, mở ra nhiều cơ hội hợp tác nghiên cứu trong thời gian tới. Các kết quả nghiên cứu được trình bày không chỉ là tư liệu quý cho cộng đồng khoa học mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng chính sách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có trách nhiệm và bền vững.
L.H