Blockchain đang trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều ngành công nghiệp, từ tài chính đến logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Việt Nam hiện xếp thứ 4 trên thế giới về số người sở hữu tài sản mã hóa và đứng thứ 5 toàn cầu về Chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa. Thị trường tài sản mã hóa dự kiến sẽ đạt trên 30.000 tỷ USD vào năm 2034, mở ra tiềm năng kinh tế lớn. Mức lương của các lao động trong ngành blockchain cũng đang ở mức cao vượt trội so với các ngành khác, trung bình 3-5 lần. Việc rào cản gia nhập ngành, nguồn cung nhân lực thấp, doanh thu và lợi nhuận dự án cao, cùng với xu hướng đầu tư tăng mạnh vào blockchain là những yếu tố chính giúp mức lương ngành này luôn hấp dẫn. Đây là cơ hội vàng cho lao động trẻ và các sinh viên nắm bắt để xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Ngày 22/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1236/QĐ/TTg, về Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề ra mục tiêu đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong ngành blockchain. Chiến lược này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và phát triển ngành công nghệ blockchain, tạo tiền đề cho việc xây dựng một hệ sinh thái blockchain quốc gia vững mạnh.
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đang cách mạng hóa nhiều lĩnh vực và nâng cao năng suất lao động. Theo khảo sát của Microsoft và LinkedIn, 66% doanh nghiệp cho biết họ sẽ không tuyển dụng những người thiếu kỹ năng trí tuệ nhân tạo. Điều này cho thấy trí tuệ nhân tạo không còn chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành kỹ năng bắt buộc đối với lao động trẻ. trí tuệ nhân tạo không chỉ tạo ra các ứng dụng trong công việc và học tập, mà còn góp phần vào việc phát triển các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo tạo sinh, giúp thúc đẩy sự sáng tạo và gia tăng năng suất. Những công nghệ này đã và đang góp phần thay đổi mạnh mẽ nhiều ngành công nghiệp, tạo điều kiện cho các lao động trẻ tham gia vào các lĩnh vực mới đầy thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng.
Blockchain và trí tuệ nhân tạo đã trở thành chìa khóa thành công trong kỷ nguyên số. Sự kết hợp giữa hai công nghệ này không chỉ mở ra cơ hội việc làm với mức thu nhập cao mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động trẻ Việt Nam trên thị trường quốc tế. Với Chiến lược Quốc gia về Blockchain, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trong ngành công nghệ mới này. Các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và các cơ quan quản lý có thể liên kết chặt chẽ với nhau, thúc đẩy các sáng kiến đổi mới, tạo môi trường hợp tác tích cực giữa các bên, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên công nghệ số.
PT (tổng hợp)