Thứ tư, 30/10/2024 10:55

Chất ô nhiễm mới nổi trong môi trường và giảm nhẹ hiện tượng biến đổi khí hậu

Là một trong tám tiểu ban của Hội nghị khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024, ngày 30/10/2024 tại Hà Nội, Tiểu ban Liên ngành công nghệ môi trường và phát triển bền vững đã tổ chức Hội nghị với chủ đề “Chất ô nhiễm mới nổi trong môi trường và giảm nhẹ hiện tượng biến đổi khí hậu”. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tâm Ứng phó biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Khoa học Công nghệ Năng lượng và Môi trường, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ cao thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

PGS.TS Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phát biểu khai mạc Hội nghị.

PGS.TS Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, những năm gần đây, bên cạnh công tác đào tạo, Trường đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu - phát triển một số lĩnh vực khoa học liên ngành như: khoa học tính toán, khoa học vật liệu, năng lượng tái tạo, khoa học sự sống - công nghệ sinh học, khoa học và công nghệ môi trường, khoa học phân tích ứng dụng, khoa học về biến đổi khí hậu, khoa học và công nghệ biển... Hội nghị được tổ chức không chỉ mang ý nghĩa học thuật sâu sắc mà còn là cơ hội để các nhà khoa học mở rộng mạng lưới, thúc đẩy hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu. Đặc biệt, trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, việc triển khai những nghiên cứu về các chất ô nhiễm mới nổi và biến đổi khí hậu đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết và thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

GS.TS Phạm Hùng Việt - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chia sẻ thông tin tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi và thảo luận các vấn đề về: thực trạng phát thải khí nhà kính trong chuỗi hoạt động sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Đề xuất các giải pháp giảm phát thải hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0; nồng độ dư lượng và các đặc trưng tích lũy của nhóm chlorobenzenes phát thải không chủ định trong mẫu tro thải từ các cơ sở công nghiệp và lò đốt rác; ô nhiễm các hợp chất PFAS trong môi trường tại miền Bắc Việt Nam; tiềm năng thu hồi năng lượng và nguyên liệu từ chất thải; ô nhiễm vi nhựa kết hợp với kháng sinh trên các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ…

TS Nguyễn Hùng Minh - Trung tâm Ứng phó biến đổi khí hậu chia sẻ tại Hội nghị.

Đặc biệt, một số báo cáo nổi bật tại Hội nghị đã được tuyển chọn và đăng tải trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (bản B) của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho các nhà khoa học quan tâm đến chủ đề chất ô nhiễm mới nổi trong môi trường và giảm nhẹ hiện tượng biến đổi khí hậu cũng như tiếp thêm nguồn lực và thúc đẩy hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Phong Vũ

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)