Theo Nghị quyết số 55/2024/UBTVQH15, dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ hợp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025). Cơ quan chủ trì thẩm tra Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; cơ quan tham gia thẩm tra là Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội.
Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội thông qua năm 2013, sửa đổi năm 2018 và 2022.
Trước đó, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ tại kỳ họp thứ 5 (thông qua ngày 18/06/2013) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014, bao gồm 11 chương, 81 điều. Luật Khoa học và Công nghệ 2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong 10 năm qua, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ. Đây là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ; phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm; thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; đổi mới căn bản cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước và cơ chế xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng lấy mục tiêu và hiệu quả ứng dụng là tiêu chuẩn hàng đầu; chuyển các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phương thức khoán chi trong nghiên cứu khoa học; phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các quỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân lực, nhân tài khoa học và công nghệ; thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì sự phát triển của đất nước; tích cực và chủ động mở rộng hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của lực lượng khoa học và công nghệ, những năm qua, khoa học và công nghệ đã có những bước tiến tích cực, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Công Thường